Get Even More Visitors To Your Blog, Upgrade To A Business Listing >>

Ước mơ bình thường

Những áng văn sau đây được tìm thấy trên lăng mộ của một mục sư người Anh:

Khi tôi còn trẻ, trí tưởng tượng của tôi không giới hạn. Tôi mơ ước có thể thay đổi thế giới. Khi trưởng thành và già dặn hơn một chút, tôi nhận thấy thế giới chẳng đổi thay gì cả. Vì vậy, tôi thu hẹp ước mơ của mình, và quyết định sẽ làm thay đổi đất nước tôi. Nhưng dường như cũng chẳng có gì dịch chuyển. Khi tôi lập thân, tôi thu hết sức bình sinh hòng làm thay đổi gia đình tôi, những người thân thiết nhất của tôi. Nhưng họ chẳng mảy may có ý tưởng gì về điều đó.

Và giờ đây, khi đang hấp hối trên giường, tôi chợt nhận ra: Chỉ khi nào tôi thay đổi được bản thân mình thì tôi mới thay đổi được gia đình tôi. Từ sự cổ vũ, khích lệ của họ, tôi sẽ có ích hơn cho đất nước - và ai mà biết được, không chừng tôi sẽ thay đổi được cả thế giới cũng nên.

TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI

Câu hỏi 1: "Những áng văn sau đây được tìm thấy trên lăng mộ của một mục sư người Anh". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 1: "Những áng văn sau đây được tìm thấy trên lăng mộ của một mục sư người Anh". Câu này dạy về ÐỨC KINH NGHIỆM HIẾU SINH Ý HÀNH, THÂN HÀNH, KHẨU HÀNH.

Một bia văn ghi lại kinh nghiệm đời sống của một vị mục sư nói về đức hiếu sinh thân hành, khẩu hành và ý hành đã trải qua một đời người lãnh đạo tinh thần tín đồ tôn giáo Tin Lành.

Một bia văn mang đầy đủ ý nghĩa ước vọng của một mục sư từ tuổi trẻ, tuổi trungniên đến tuổi già sắp chết. Ðọc qua tấm biavăn này là một bài học đạo đức hiếu sinh thực tế của một đời người, những áng văn này là một lời khuyên nhắc nhở chúng ta: Những gì ở đây có làm được lợi ích cho mọi người, thì phải làm được lợi ích nơi thân tâm mình trước tiên.

Bài học đạo đức này chỉ nhắc lại, để chúng ta rút ra từ kinh nghiệm bản thân của mình không còn sống mơ mộng mà phải làm những gì ở tuổi nào cho phù hợp với nền đạo đức nhân bản - nhân quả; phải biết ngăn chặn và diệt những thói hư tật xấu, để sửa mình cho đúng theo đường lối sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người; để sửa mình phải sống như thế nào cho phù hợp với thời gian và không gian thì sự lợi ích mới thiết thực, mới cụ thể hơn để đến với mọi người.

Bài bia văn này là một lời khéo nhắc nhở mọi người hãy sống trong thực tế, chứ đừng sống trong mơ mộng ảo tưởng, phải nhận biết rõ khả năng của mình có làm được hay chưa làm được.

Cuộc đời là một trường học tập đạo đức để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Nếu mọi người không chịu học tập đạo đức thì cuộc đời sẽ đen tối và khổ đau chồng chất lên nhau ngút ngàn. Ðiều này các tu sinh có hiểu chăng? Nếu hiểu thì hãy cố gắng học tập và sống cho đúng những bài học đạo đức thì lợi ích rất lớn.

Câu hỏi 2: "Khi tôi còn trẻ, trí tưởng tượng của tôi không giới hạn. Tôi mơ ước có thể thay đổi thế giới". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 2: "Khi tôi còn trẻ, trí tưởng tượng của tôi không giới hạn. Tôi mơ ước có thể thay đổi thế giới". Câu này dạy THIẾU ÐỨC THỰC TẾ HIẾU SINH Ý HÀNH.

Ðức Phật dạy:

"Quá khứ không truy tìm
Vị lai không ước vọng
Quá khứ đã qua rồi
Vị lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây".

Vị mục sư tuổi trẻ nông nổi này chỉ sống trong mơ mộng, tưởng mình có thể làm thay đổi thế giới, trong khi mình chưa hiểu thế giới này do duyên gì và cấu tạo như thế nào mà tạo nên vạn vật. Không hiểu mà muốn làm thay đổi thế giới là một điều mơ mộng thiếu thực tế. Chính ngay bản thân mình, mình cũng chưa biết từ đâu sinh ra? Sinh ra để làm gì? Và chết đi về đâu còn chưa biết? Mà muốn làm thay đổi thế giới là một điều không tưởng, đó là một điều không thể có được.

Về quá khứ chưa rõ mình là ai? Còn hiện tại cũng chưa biết mình phải làm gì? Sống như thế nào cho đúng nghĩa của cuộc sống? Sống như thế nào để không làm khổ mình, khổ người? Vậy mà muốn làm thay đổi thế giới. Thật là không tưởng!

Một bậc vĩ nhân như đức Phật, khi xuất hiện ra đời Ngài còn nói: "Hóa duyên độ chúng". Có nghĩa là tạo duyên mới dạy người tu học, nếu không duyên thì không thể nào dạy ai được. Cho nên độ chúng sinh là độ người hữu duyên, chứ độ người không duyên thì không độ được. Vậy độ không được thì làm sao thay đổi thế giới. Chúng sinh khó độ và như vậy làm sao độ hết chúng sinh, mà không độ hết chúng sinh thì làm sao thay đổi thế giới. Cho nên việc làm thay đổi thế giới là một mộng tưởng.

Ðạo Phật ra đời với nền đạo đức nhân bản - nhân quả để làm thay đổi thế giới này, nhưng hơn 25 thế kỷ trôi qua con người sống trong các pháp ác, vẫn sống trong các ác pháp có thay đổi được những gì đâu!? Cho nên muốn làm thay đổi thế giới thì chỉ là một ảo tưởng, một giấc mơ mà thôi.

Ngay cả những người gọi là đệ tử của Phật cũng đầu tròn, y vấn, áo vuông mà vẫn chạy theo dục lạc, danh lợi, ăn ngủ phi thời như người thế gian, sống phi phạm hạnh, sống phạm giới, phá giới làm giới luật tan nát, khiến đức hạnh của người tu sĩ Phật giáo không còn, tâm họ giống như người thế gian, thì còn mong gì đạo Phật làm thay đổi thế giới.

Mặc dù trên thế gian này có rất nhiều tôn giáo xuất hiện, nhưng làm lợi ích được những gì cho con người trên hành tinh này. Ác pháp vẫn tràn lan, đạo đức thì xuống cấp, tệ nạn xã hội càng tăng lên: nạn trộm cắp, cướp của, giết người, hiếp dâm, hút xách, xì ke, ma túy, mãi dâm, tai nạn giao thông, rượu chè, cờ gian, bạc lận, v.v... Con người gian tham, xảo trá lường gạt đủ mọi phương cách, đủ mọi âm mưu, thủ đoạn kinh thiên động địa, thật là đau lòng!

Sự mơ ước làm thay đổi cuộc sống thế giới này, mà không biết cách dựng được nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, thì khó mong làm thay đổi thế giới này được.

Câu hỏi 3: "Khi trưởng thành và già dặn hơn một chút, tôi nhận thấy thế giới chẳng đổi thay gì cả". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 3: "Khi trưởng thành và già dặn hơn một chút, tôi nhận thấy thế giới chẳng đổi thay gì cả". Câu này dạy về ÐỨC GIÀ DẶN HIẾU SINH Ý HÀNH.

Càng từng trải sống trong cuộc đời, quý vị mới thấy qui luật nhân quả vận hành trong vũ trụ thì không thể nào làm thay đổi thế giới này được. Với nghiệp lực nhân quả của mỗi người thì chỉ còn biết tuân theo qui luật đó, chứ không thể làm ngược lại được, huống là làm thay đổi!

Sự trưởng thành và già dặn của một vị linh mục không thể làm thay đổi thế giới này được, thậm chí cũng không thể làm thay đổi chính thân tâm ông được, huống là làm thay đổi những người trong gia đình. Cho nên ông chỉ mới thấy mình trưởng thành và già dặn hơn một chút, tức là ông cảm nhận được cuộc đời rất khó khăn, muốn làm cho nó tốt hơn thì phải cẩn thận dè dặt. Nhưng ông chưa biết cách thức nào để làm cho nó thay đổi, vì chính ông cũng không hiểu qui luật nhân quả thì làm sao ông làm thay đổi được. Những điều ông nói chỉ là một giấc mộng. Chính vì từ lâu con người đã hiểu sai lầm: Cho rằng con người được sinh ra từ đấng Tạo Hóa. Sự thật không có đấng tạo hóa nào sinh ra con người cả, mà chỉ có luật nhân quả nghiệp báo theo qui luật vận hành duyên hợp mà tạo thành vạn vật, trong đó có con người.

Khi ông trưởng thành và già dặn thì ông mới nhận ra khả năng của mình đối với thế giới là số không, chỉ làm thay đổi bản thân và tâm hồn ông mà còn chưa được, huống là làm thay đổi cái gì bên ngoài.

Câu hỏi 4: "Vì vậy, tôi thu hẹp ước mơ của mình, và quyết định sẽ làm thay đổi đất nước tôi. Nhưng dường như cũng chẳng có gì dịch chuyển". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 4: "Vì vậy tôi thu hẹp ước mơ của mình, và quyết định sẽ làm thay đổi đất nước tôi. Nhưng dường như cũng chẳng có gì dịch chuyển". Câu này dạy về ÐỨC THẬN TRỌNG HIẾU SINH Ý HÀNH.

Thi hào Horace đã thu hẹp những mơ ước của mình bằng những vần thơ mà nhiều nhà hiền triết và thiền học đã ca ngợi là một triết học, là một thiền học tuyệt vời:

"Ai kia sung sướng suốt đời
Vững lòng nói được: Của tôi ngày này
Ngày mai mặc kệ: Mai ngày
Vì tôi đã sống hôm nay đủ rồi".

Bài thơ này có trước Chúa giáng sinh 30 năm, nhưng sau Phật 500 năm, còn bài kệ dưới đây do đức Phật dạy còn tuyệt hơn:

"Quá khứ không truy tìm
Vị lai không ước vọng
Quá khứ đã qua rồi
Vị lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây".

Trên thế gian này, tất cả những danh nhân, những thiền sư, những triết gia đều có để lại thơ văn, kệ tụng nhắc nhở chúng ta sống trong hiện tại. Lời nói thơ văn thì rất hay, nhưng mấy ai đã làm và sống được, và sống bằng cách nào thì mỗi người đều đi về một nẻo. Nẻo ức chế tâm. Cho nên hiện giờ có ai làm và sống được cũng chỉ ức chế tâm trong một đối tượng nào đó, để được sống trong hiện tại. Cái sống trong hiện tại đó không được tự nhiên.

Thời gian được thu hẹp trong hiện tại của đức Phật là thời gian người ấy đã ly dục, ly ác pháp xong, tức là người ấy phải sống đúng năm giới đức hạnh, còn nếu chưa sống đúng năm giới đức hạnh mà thu hẹp thời gian sống trong hiện tại là sống trong sự ức chế tâm.

Hầu hết mọi người tu hành phải lưu ý điều này, sống trong hiện tại là sống đừng mơ mộng, sống trong thực tế nên gọi là thu hẹp thời gian chỉ còn hiện tại. Biết bao giấy mực đã nói về sống hiện tại, nhưng có mấy ai đã sống trong hiện tại được bao giờ.

Vị mục sư này thu hẹp ý tưởng mình lại, nhưng chưa hết mơ mộng: "Vì vậy tôi thu hẹp ước mơ của mình, và quyết định sẽ làm thay đổi đất nước tôi. Nhưng dường như cũng chẳng có gì dịch chuyển". Ðó là một điều thiếu thực tế, nên còn sống trong mơ mộng "làm thay đổi đất nước tôi". Tôi chưa thay đổi thân tâm tôi, mà muốn làm thay đổi đất nước thì đó là mơ mộng không thực tế. Còn sống như vậy là sống thiếu đức thực tế hiếu sinh. Sống như vậy chỉ làm khổ mình mà thôi.

Sống hiện tại là phải sống không làm khổ mình, khổ người; sống không làm khổ mình, khổ người là phải sống thực tế với đức hiếu sinh. Ngoài đức hiếu sinh mà sống hiện tại là sống trong mơ.

Câu hỏi 5: "Khi tôi lập thân, tôi thu hết sức bình sinh hòng làm thay đổi gia đình tôi, những người thân thiết nhất của tôi. Nhưng họ chẳng mảy may có ý tưởng gì về điều đó". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 5: "Khi tôi lập thân, thu hết sức bình sinh hòng làm thay đổi gia đình tôi, những người thân thiết nhất của tôi. Nhưng họ chẳng mảy may có ý tưởng gì về điều đó". Câu này dạy THIẾU ÐỨC THỰC TẾ HIẾU SINH Ý HÀNH.

Một người tu theo Phật giáo phải sống với đức thực tế, không nên sống mơ mộng. Người sống mơ mộng là người sống thiếu đức thực tế, thiếu đức thực tế là thiếu đức hiếu sinh.

Người học giới luật đức hạnh của Phật giáo thì phải sống thực tế, mà sống thực tế thì không thể sống cho ngày mai và quá khứ. Ðức Phật đã dạy: "Quá khứ đã qua rồi, ngày mai thì chưa đến, chỉ có pháp hiện tại".

Nhưng thời gian hiện tại chúng ta sống như thế nào, và sống làm sao? Ðức Phật dạy: "Tuệ quán chính là đây".  Muốn sống đức hạnh không làm khổ mình, khổ người thì chỉ có pháp môn duy nhất, đó là quán xét từng hành động thân, miệng, ý trước khi nói hay làm một điều gì đều phải suy nghĩ kỹ lưỡng.

Nói ra điều này thì dễ, nhưng áp dụng vào cuộc sống hằng ngày thì đâu phải dễ dàng như mọi người nghĩ, chúng ta thường nói hay làm theo nghiệp lực nhân quả, tức là nói và làm không suy nghĩ trước. Người nói và làm không suy nghĩ trước là người thiếu đức thận trọng; người thiếu đức thận trọng là người không sống với đức hiếu sinh.

Người nói và làm có suy nghĩ trước, nhưng lại rơi vào suy nghĩ về quá khứ và vị lai; rơi vào quá khứ và vị lai là người sống trong mơ mộng; người sống trong mơ mộng là người thiếu đức thực tế; người thiếu đức thực tế là người thiếu đức hiếu sinh; người thiếu đức hiếu sinh là người làm khổ mình, khổ người. Vị mục sư này đã sống trong mơ mộng, nên bỏ hết một đời người mà gặt lấy những thất bại: "Khi tôi lập thân, thu hết sức bình sinh hòng làm thay đổi gia đình tôi, những người thân thiết nhất của tôi. Nhưng họ chẳng mảy may có ý tưởng gì về điều đó". Ðó là một sự thất bại hoàn toàn. Ðầu tiên, tuổi trẻ hăng hái tưởng mình sẽ làm thay đổi thế giới, đó là giấc mộng quá lớn, nhưng giấc mộng đó không thành. Khi đến tuổi trung niên, ý thức dè dặt hơn, mong sao mình chỉ làm thay đổi những người trong gia đình, nhưng cuối cùng chẳng làm được những gì.

Câu chuyện được ghi vào mộ bia của một vị mục sư để chúng ta suy ngẫm: Nếu chúng ta không làm thay đổi được bản thân và tâm hồn chúng ta thì đừng mong nói làm thay đổi thế giới và gia đình.

Ðiều mà chúng ta có thể làm được, là làm thay đổi chúng ta, đó là chúng ta nên tập sống với lòng yêu thương đối với sự sống trên hành tinh này. Khi chúng ta sống được với đức hiếu sinh trọn vẹn thì đức hiếu sinh đã làm chúng ta thay đổi hoàn toàn. Nếu chúng ta thay đổi hoàn toàn thì mới có hy vọng những người trong gia đình lần lượt thay đổi và thế giới đổi thay.

Như vậy, chúng ta đã tìm thấy lối đi đến cứu cánh, chỉ có lấy mình làm đối tượng thay đổi, cho nên đức Phật dạy: "Này các tỳ kheo, sau khi Ta diệt độ, cần phải tôn trọng, cung kính GIỚI LUẬT ÐỨC HẠNH, xem giới luật như người mù được thấy, như người nghèo được châu báu. Các người nên biết giới luật đức hạnh là bậc ÐẠI SƯ của các người, cũng giống như Ta ở đời không có sai khác. Giới là chánh thuận, là gốc của giải thoát, cho nên gọi là Ba La Ðề Mộc Xoa.

Do giới mà sinh định và nhờ trí tuệ mà diệt khổ. Các ngươi nên giữ tịnh giới, chớ có hủy phạm khuy khuyết; nếu giữ tịnh giới thì được những pháp lành; nếu không giữ tịnh giới thời các thiện công đức không thể sinh được. Các ngươi hãy tinh tấn để tự giải thoát. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Ta nay sắp nhập Niết bàn, và đó là những lời dạy cuối cùng của Ta". (Kinh Di Giáo)

Như vậy, muốn làm thay đổi thế giới này, chỉ có làm thay đổi trong ta bằng giới luật đức hạnh. Nhưng giới luật đức hạnh ở đâu, và ai là người đứng ra hướng dẫn, rèn luyện, đào tạo chúng ta giới luật đức hạnh? Khắp cả thế gian này đâu có một ngôi trường nào, một nơi nào dạy dỗ giới luật đức hạnh, thì làm sao và biết ở đâu mà học tập?

Biết được sự lợi ích của giới luật đức hạnh như vậy, nên trước đây thầy thường nhắc nhở và sau đó mới dựng lại các lớp giới luật đức hạnh để giúp các con tu hành thoát khổ. Vậy thầy mong rằng các con sẽ cố gắng học tập và sống đúng giới luật đức hạnh, nhất là đức hiếu sinh.

Phật giáo đã sẵn sàng có đầy đủ chương trình giáo dục đào tạo giới luật đức hạnh nhân bản - nhân quả cho mọi người, nhưng các chùa bây giờ chỉ là nơi mê tín, chứ không phải là trường lớp học tập đạo đức, nên rất tiếc! Rất tiếc!

Câu hỏi 6: "Và giờ đây, khi đang hấp hối trên giường, tôi chợt nhận ra". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 6: "Và giờ đây, khi đang hấp hối trên giường, tôi chợt nhận ra". Câu này dạy về ÐỨC SÁNG SUỐT HIẾU SINH Ý HÀNH.

Quá trễ, đợi khi nằm trên giường bệnh, gần chết đến nơi vị mục sư mới nhận ra mình đang sống trong mơ mộng. Ðang sống trong mơ mộng thì còn làm gì được nữa. Nếu là một tu sĩ Phật giáo trong giờ phút này cũng quá muộn màng, huống là một vị mục sư, dù biết rằng mình sẽ sống với năm đức, mười hạnh, mình sẽ sống đúng giới luật đức hạnh để làm thay đổi bản thân. Làm thay đổi bản thân thì sẽ làm thay đổi thế giới, nhưng bây giờ còn gì nữa, quá muộn màng, chết đến nơi rồi còn làm gì được nữa!

Ðọc tới đoạn này các tu sinh nghĩ sao? Nếu không ngay từ giờ phút này mà không cố gắng nỗ lực thực hiện sống trong năm đức, mười hạnh thì còn chờ đợi lúc nào nữa. Ðoạn văn này cảnh cáo mọi người: nếu trong giờ phút này mà không tu tập áp dụng đạo đức hiếu sinh vào thân tâm, đợi đến khi nằm trên giường bệnh sắp chết chừng đó có hối tiếc cũng đã trễ quá rồi.

Vị mục sư tới giờ sắp chết mới trở về với thực tại, có nghĩa là bây giờ ông sống không còn mơ mộng nữa, nhưng từ đây ông làm những gì để thay đổi thân tâm ông. Ông đang mê mờ mù tịt, ông đâu có phương pháp nào, cách thức nào làm thay đổi ông. Áng văn này chỉ nhắc cho chúng ta biết thế giới và gia đình không bao giờ làm thay đổi được, nếu chưa thay đổi bản thân cá nhân của mình. Áng văn chỉ nhắc nhở chúng ta có bấynhiêu đó thôi, nhưng cũng là một bản đồ rất đầy đủ chỉ đường.

Như chúng ta đã biết, muốn làm thay đổi bản thân, là phải làm cho thân tâm hết tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Một con người thân tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là một con người đạo đức trọn vẹn. Vì không còn tham, sân, si, mạn, nghi nên không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, nhờ đó thân tâm của họ lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự.

Người ở đời thường bị ngũ dục lạc lôi cuốn, nên thường sống trong niềm mơ ước, hy vọng bằng cách này hay bằng cách khác. Nhưng khi xuôi tay trở về lòng đất lạnh, thì những ước mơ và hy vọng ấy trở thành mây khói.

Câu hỏi 7: "Chỉ khi nào tôi thay đổi được bản thân mình". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 7: "Chỉ khi nào tôi thay đổi được bản thân mình". Câu này dạy về ÐỨC HIẾU SINH THƯƠNG MÌNH Ý HÀNH.

Lời nhắn nhủ của vị mục sư cho chúng ta biết: Chỉ khi nào tôi thay đổi được bản thân mình, thì mới làm thay đổi gia đình và thế giới. Nhưng bây giờ trên giường bệnh, ông còn làm gì được nữa mà thay đổi. Ông có biết con người của ông là con người của nhân quả của nghiệp lực THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI chưa? Muốn thay đổi nó là ông phải thay đổi nghiệp lực thành KHÔNG THAM, KHÔNG SÂN, KHÔNG SI, KHÔNG MẠN, KHÔNG NGHI. Nhưng ông có biết phương pháp nào làm cho nó không tham, sân, si, mạn, nghi chưa? Chắc điều này ông không biết rồi, mà không biết thì không thể nào thay đổi bảnthân ông được.

Ðạo Phật có phương pháp hẳn hoi, có trường lớp đào tạo, có pháp môn chuyển hóa nhân quả thiện ác làm thay đổi con người, khiến con người tâm như đất, như nước, như lửa, như gió. Có những pháp môn như vậy mới làm thay đổi được con người. Có trường lớp đào tạo, có pháp môn chuyển hóa nhân quả thiện ác mới làm thay đổi con người, khiến con người tâm như đất, như nước, như lửa, như gió. Thế mà mọi người không chịu học tập và không chịu sống và rèn luyện cho đúng giới luật đức hạnh, cho đúng năm đức, mười hạnh thì nhân quả làm sao chuyển được, làm sao thay đổi mình được.

Chuyển đổi cá nhân mình đâu phải dễ, phải từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm, v.v... phải siêng năng tinh cần, lúc nào cũng tư duy suy nghĩ cái nào là hành động đạo đức giới luật, cái nào là không phải đạo đức giới luật. Có rèn luyện tu tập như vậy thì mới mong làm thay đổi con người.

Tóm lại, muốn làm thay đổi mình thì phải sống đời đạo đức hiếu sinh ý hành, khẩu hành và thân hành.

Câu hỏi 8: "Thì tôi mới thay đổi được gia đình tôi". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 8: "Thì tôi mới thay đổi được gia đình tôi". Câu này dạy về ÐỨC HIẾU SINH GIA ÐÌNH Ý HÀNH.

Vị mục sư nghĩ tưởng khi ông thay đổi được ông thì ông sẽ làm thay đổi được gia đình ông. Ðiều này chưa chắc, vì ông có biết pháp nào làm thay đổi được ông, cho nên việc làm thay đổi gia đình là một việc khó, một việc mà ông không thể làm được. Ðến giờ phút sắp lìa đời mà ông còn chấp ngã và mộng tưởng như vậy thì đó là bản chất cố chấp của ông. Do bản chất cố chấp đó cho thấy ông không có thay đổi chút nào cả?

Áng văn đó chỉ là một lời nói suông, một bản đồ chỉ đường đi, chứ không có phương tiện đi đến đích.

Lời nói của vị mục sư chỉ là một lời ao ước suông, chứ hiện thực ông chẳng làm được những gì lợi ích cho bản thân ông, huống là lợi ích cho người khác.

Ở đây, các tu sinh trong lớp học đạo đức NGŨ GIỚI phải sáng suốt nhận định cho rõ ràng. Mục đích học đạo đức hiếu sinh để làm thay đổi con người cũ, con người thiếu đạo đức. Vì con người cũ mang đầy ắp những tâm ác pháp: tham, sân, si, mạn, nghi và còn những thói hư tật xấu. Nhờ học và rèn luyện nhân cách đạo đức hiếu sinh, đạo đức ly tham, đạo đức chung thủy, đạo đức thành thật và đạo đức minh mẫn; những đạo đức này thấm nhuần sẽ làm thay đổi thân tâm của các tu sinh.

Nếu chịu khó chuyên cần siêng năng học tập trong một thời gian ngắn, không lâu, các tu sinh sẽ trở thành những nhà đạo đức với một tâm hồn cao thượng sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.

Một mục sư người Anh không biết pháp hành làm thay đổi mình, thay đổi gia đình và thế giới. Vậy mà đến khi ông sắp nhắm mắt lìa đời, những ước mơ còn ôm ấp mãi bên ông. Ông nghĩ rằng: Chỉ có làm thay đổi mình thì mới mong làm thay đổi gia đình và thế giới. Ước mong ấy khó thành hiện thực, chỉ còn là giấc mơ mà thôi. Áng văn này trong ngôi mộ của ông, tức là ông đã ra người thiên cổ từ lâu.

Câu hỏi 9: "Từ sự cổ vũ, khích lệ của họ, tôi sẽ có ích hơn cho đất nước". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 9: "Từ sự cổ vũ, khích lệ của họ, tôi sẽ có ích hơn cho đất nước". Câu này dạy về ÐỨC HIẾU SINH TỔ QUỐC Ý HÀNH.

Là một người dân trong một nước thì ai lại không có tình yêu thương tổ quốc. Ai cũng ước mong sao tổ quốc mình giàu đẹp, thịnh vượng phú cường; ai cũng muốn đóng góp công sức của mình làm cho dân giàu nước mạnh; làm cho ích nước lợi dân; làm cho tổ quốc mình cường thịnh. Muốn làm được những điều ích nước lợi dân, thì chúng ta phải có tài và còn có đức nữa. Nhờ có đức hạnh mới làm thay đổi bản tính tham, sân, si, mạn, nghi của mình. Có làm thay đổi được như vậy thì mới mong làm thay đổi đất nước. Những tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, đạo đức xuống cấp trầm trọng: nạn cướp của, giết người; nạn lừa đảo, buôn gian bán lận; nạn buôn hương bán phấn mãi dâm khắp nơi làm mất giá trị nhân phẩm con người; nạn xì ke ma túy gây ra nỗi đau chung của xã hội, nạn rượu chè say xỉn, cờ gian bạc lận đánh vợ chửi con, la làng, la xóm làm mất trật tự trong thôn ấp. Nếu không có pháp luật và không có người thi hành pháp luật thì đất nước này sẽ trở thành hỗn độn.

Muốn những tệ nạn xã hội chấm dứt thì bản thân của mọi người cần phải rèn luyện nhân cách năm đức:

1/ Ðức hiếu sinh.

2/ Ðức ly tham.

3/ Ðức chung thủy.

4/ Ðức thành thật.

5/ Ðức sáng suốt.

Nếu xã hội, mỗi người dân đều có đạo đức như vậy, thì đất nước này sẽ phồn vinh thịnh trị và tất cả những tệ nạn xã hội sẽ được quét sạch. Người dân ai ai cũng lo làm ăn lương thiện; ai ai cũng lo làm giàu trong tài đức của mỗi người.

Muốn cho đất nước không còn tệ nạn xã hội, thì những người đứng đầu tôn giáo lãnh đạo tinh thần tín đồ thì phải làm thay đổi thân tâm của mình trước, rồi sau mới làm gương sáng cho những tín đồ. Vì thế vị mục sư nói: "Chỉ khi nào tôi thay đổi được bản thân mình, thì tôi mới thay đổi được gia đình tôi, từ sự cổ vũ, khích lệ của họ, tôi sẽ có ích hơn cho đất nước".

Ðất nước thanh bình thì mỗi người dân phải siêng năng lo làm ăn, nhờ đó nước giàu dân mạnh, đất nước cường thịnh. Còn khi đất nước có chiến tranh thì tất cả mỗi người dân đều phải xông pha ra trận mạc, đánh đuổi giặc ra khỏi biên cương, đem lại sự thanh bình độc lập cho quê hương xứ sở.

Câu hỏi 10: "Và ai mà biết được, khôngchừng tôi sẽ thay đổi được cả thế giới cũngnên". Câu này dạy về đạo đức nhân quả gì?

Trả lời câu hỏi 10: "Và ai mà biết được, không chừng tôi sẽ thay đổi được cả thế giới cũng nên". Câu này dạy về ÐỨC HIẾU SINH NHÂN LOẠI Ý HÀNH.

Chỉ có làm thay đổi được mình thì sẽ làm thay đổi cả thế giới. Làm thay đổi được mình phải làm bằng cách nào? Như trên đã nói, chỉ cần sống đúng năm đức, mười hạnh thì thế gian này sẽ trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Ðàng, nơi đây không còn tiếng rên la kêu khóc, không còn là địa ngục.

Bởi vậy làm thay đổi mình không khó, vì chúng ta biết chắc Phật giáo có một nền đạo đức nhân bản - nhân quả bằng năm đức, mười hạnh.

Năm đức gồm có:

1/ Ðức hiếu sinh.

2/ Ðức ly tham.

3/ Ðức chung thủy.

4/ Ðức thành thật.

5/ Ðức sáng suốt.

Mười hạnh gồm có:

1/ Hạnh từ bỏ sát hại chúng sinh.

2/ Hạnh từ bỏ lấy của không cho.

3/ Hạnh từ bỏ tà dâm.

4/ Hạnh từ bỏ nói dối.

5/ Hạnh từ bỏ nói lời hung dữ.

6/ Hạnh từ bỏ nói lời thêu dệt.

7/ Hạnh từ bỏ nói lời lật lọng.

8/ Hạnh từ bỏ tham dục.

9/ Hạnh từ bỏ sân dục.

10/ Hạnh từ bỏ si dục.

Trên đây là những tiêu chuẩn làm thay đổi con người. Nếu ai biết rèn luyện nhân cách để sống với những đức hạnh này thì bản thân, gia đình và xã hội sẽ thay đổi hoàn toàn.

Năm đức và mười hạnh này được triển khai thành mười lăm lớp học chuyên đào tạo đạo đức cho con người thì thế gian này là cõi thanh bình của Trời Phạm Thiên.

Chúng ta được sinh ra làm người là một điều khó, mà gặp được năm đức, mười hạnh còn khó hơn. Thế mà chúng ta gặp được cả hai, mà lại có trường lớp đào tạo, có người hướng dẫn. Ðó là một phước báu vô cùng to lớn. Vậy mà chúng ta không học, không rèn luyện nhân cách của mình. Thật là phí bỏ một kiếp người quá uổng!

Tất cả tu sinh phải ráng nỗ lực tu học và rèn luyện thân tâm mình để làm thay đổi mình, làm thay đổi gia đình và làm thay đổi thế giới; để đem lại sự bình an cho muôn loài đang sống trên hành tinh này. Phải cố gắng lên các tu sinh ạ! Ðừng để thời gian trôi qua quá uổng!

"Tấc bóng thời gian một tấc vàng
Tấc vàng tìm được không gì khó
Tấc bóng thời gian khó hỏi han".

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích Đạo Đức Hiếu Sinh, tập 2, TG. 2012, tr. 108-133


This post first appeared on Tự Hiểu Mình's, please read the originial post: here

Share the post

Ước mơ bình thường

×

Subscribe to Tự Hiểu Mình's

Get updates delivered right to your inbox!

Thank you for your subscription

×