Get Even More Visitors To Your Blog, Upgrade To A Business Listing >>

Người phụ nữ Ê Đê đưa thổ cẩm xuất ngoại

Đăk LăkMỗi năm, nhà may của bà H’Ler Êban (48 tuổi) bán trên 500 trang phục thổ cẩm cho khách hàng trong nước và Việt kiều ở Mỹ, Úc, Canada, Phần Lan.

Ngày cuối năm, 6 khung cửi đặt trong nhà văn hóa cộng đồng buôn Kniêt, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin vẫn vang tiếng “lạch cạch”, bà H’Ler vẫn miệt mài hướng dẫn thợ dệt thổ cẩm. Đây là nghề truyền thống của người Ê Đê từ lâu đời.

Sau khi thổ cẩm được hoàn thiện, bà H’Ler mang về “Nhà may Amí Sia” của mình và tự tay thiết kế, cắt may các mẫu trang phục cách tân và thêu các hoạ tiết, hoa văn truyền thống của dân tộc mình lên mỗi sản phẩm.

H’ler bén “duyên” đến với nghề dệt truyền thống khá muộn. Năm 2011, khi làm đại biểu HĐND tỉnh Đăk Lăk, bà tiếp xúc nhiều cư dân bản địa, thấy hầu hết người Ê Đê không còn thiết tha với trang phục truyền thống.

Bà H’Ler (trái) hướng dẫn thợ dệt thổ cẩm truyền thống trong nhà văn hoá cộng đồng buôn Kniêt. Ảnh: Trần Hoá

Lý do chất liệu vải thô cứng, người mặc khó di chuyển. Nhiều người tỏ ra khó chịu khi phải mặc trang phục truyền thống trong những dịp buôn, làng có lễ hội. Để hoàn thành một tấm vải thổ cẩm mất cả tuần dệt thủ công, trong khi sản phẩm hoàn thiện không ai mua, vì thế nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm bỏ nghề.

Từ những gì chứng kiến, H’ler lo lắng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê tương lai bị mai một. Nhưng phải đến năm 2018, trên cơ sở kinh nghiệm may mặc của bản thân, bà quyết định dùng tất cả thu nhập của gia đình thành lập “Nhà may Amí Sia” và kêu gọi các nghệ nhân dệt thổ cẩm bán cho mình.

Để khắc phục nhược điểm thô cứng của trang phục thổ cẩm, H’Ler chọn chất liệu vải co giãn giúp người mặc dễ dàng di chuyển, cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Đặc biệt, việc cách tân trang phục của người Ê Đê không làm thay đổi kiểu dáng và giá trị văn hóa truyền thống.

Các mẫu trang phục cách tân phối hoa văn truyền thống sau khi hoàn thiện, bà H’Ler đăng lên các trang mạng xã hội, được nhiều người hỏi mua. “Thật bất ngờ khi sản phẩm thổ cẩm của tôi được mọi người ưa thích, kể cả Việt kiều”, H’Ler nói. Từ năm 2018 đến đầu 2020, nhà may Amí Sia bán khoảng 1.000 sản phẩm trang phục thổ cẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Đặc biệt, dự án “Nhà may thổ cẩm Amí Sia” của bà H’Ler đã đạt giải ba trong cuộc thi khởi nghiệp kinh doanh của tỉnh. Để trang phục thổ cẩm phù hợp thị hiếu thời trang, bà không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, phù hợp mọi lứa tuổi, thời tiết, sự kiện, lễ hội. Trang phục còn giúp người sử dụng hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người Ê Đê qua nét hoa văn, màu sắc…

Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, nhà may của Amí Sia đã bán hàng trăm bộ trang phục thổ cẩm cho khách hàng, nhiều Việt kiều ở Mỹ, Úc, Canada, Phần Lan cũng hỏi mua. H’Ler tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 thợ may và 10 nghệ nhân dệt, với mức thu nhập 3-4,5 triệu đồng một tháng.

Điều khiến bà H’Ler thấy hạnh phúc là những năm gần đây nhiều người Ê Đê ở Tây Nguyên tìm đến và sử dụng sản phẩm trang phục thổ cẩm. Mọi người không chỉ diện những bộ trang phục này đến lễ hội, nhà thờ mà còn dùng đi dự đám cưới, đám hỏi, thậm chí đi làm tại các công sở.

“Ngoài cách tân trang phục đồng bào Ê Đê, sắp tới tôi sẽ mở rộng dệt họa tiết hoa văn trên áo dài, váy cô dâu, khoăn choàng, túi xách nhằm thu hút khách hàng”, H’Ler nói.

Bà Bùi Thị Lộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cư Kuin, cho biết mô hình “Nhà may thổ cẩm Amí Sia” có ý nghĩa duy trì nghề dệt truyền thống của người Ê Đê. Ngoài ra thời gian qua, bà H’Ler đã kết nối nhiều đầu mối tiêu thụ, giúp cho sản phẩm thổ cẩm của người Ê Đê được nhiều người biết đến.

Trần Hoá


Nguồn: vnexpress.net



This post first appeared on Travel, please read the originial post: here

Share the post

Người phụ nữ Ê Đê đưa thổ cẩm xuất ngoại

×

Subscribe to Travel

Get updates delivered right to your inbox!

Thank you for your subscription

×