Get Even More Visitors To Your Blog, Upgrade To A Business Listing >>

Ai mua bánh khúc?

Albert Karsai
Bums, X-Cafe chuyển ngữ
Phóng sự này được viết dựa trên một cuộc triển lãm của Bảo tàng Phụ nữ ở Hà Nội và sẽ kể về cuộc đời của người bán hàng rong tại thủ đô của Việt Nam.


"Ai mua bánh khúc?", tiếng rao vặt vang lên trong đêm. "Ai mua bánh khúc?". Cái thân hình gầy gò hốc hác trong bộ đồ ngủ đầu đội nón chuyển động một cách chậm chạp cùng với chiếc xe đạp chất đầy hàng hóa len lỏi trong ngõ nhỏ. Tiếng rao lặp đi lặp lại không ngừng "Ai mua bánh khúc?", liên tục, đơn điệu, theo từng khoảng cách đặn. Đêm lại hơi lành lạnh, mưa lun phun bao bọc toàn bộ thành phố trong một làn hơi ẩm. "Ai mua bánh khúc?". Ngày này cô ta chẳng bán được bao nhiêu. Sự mỏi mệt đã thấm sâu đến tận xương tủy, nhưng cố đi một hoặc hai vòng nữa thôi, sau đó sẽ về nhà. Ánh sáng lọt ra từ những ngôi nhà ven đường, qua cánh cửa đang mở, cô liếc nhanh vào trong, cả gia đình đang quây quần trong phòng khách xem tivi, trò chuyện và cười đùa vui vẻ. Còn gia của gia đình cô đang ngồi chờ cô trở về. "Ai mua bánh khúc?". Ngày xưa mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Cô chưa hề bao giờ có được một cuộc sống giàu sang, nhưng những cái cần thiết nhất có bao giờ thiếu. Thế rồi chồng cô thất nghiệp, và chuyển sang lái xe ôm với đồng tiền ít hỏi hơn nhiều so với hồi còn làm nhân viên trong hãng. Con trai cả tốt nghiệp trung học và đã đi học đại học, lại tạo thêm một lỗ hổng lớn trong ngân sách gia đình. Cuối cùng cô ta chẳng có cách nào khác là phải đi bán hàng để kiếm thêm thu nhập. Không có cửa hàng riêng thì lấy đường phố làm cửa hàng vậy. "Ai mua bánh khúc?". Giờ đây thu nhập cũng chỉ đủ để trang trải qua ngày. Toàn bộ hy vọng chỉ còn trông chờ vào mấy đứa con. Sau khi tốt nghiệp hy vọng là chúng sẽ kiếm được việc làm tốt, và có thể đỡ đần được cho gia đình. Nhưng cho đến khi đó, ngày lại ngày cô vẫn phải cùng với chiếc xe đạp đi không biết bao nhiều vòng trong phố. "Ai mua bánh khúc?".




Và cái lời rao đó đã cướp đi giấc ngủ của tôi! Tôi nằm trên giường, nhìn một cách bực bội vào đồng hồ. Một giờ đêm! Nếu chỉ cần cô ta tối lại mười giờ đã trở về nhà. Nhưng không, một vài người tới tận nửa đêm vẫn còn đi khắp hang cùng ngõ hèm với giọng rao nhão nhoẹt như những âm thanh từ chiếc loa rè vang vọng khắp khu phố. Ban đầu, tôi đã bực tức đến nỗi, phải nghĩ ra cách gì đó để trả thù cho bõ tức. Tôi nghĩ mình sẽ mang một xô nước đầy lên sân thượng, dội xuống đầu kẻ đã phá giấc ngủ của mình. Nếu không thì tôi cũng sẽ rải đinh cho thủng lốp xe của họ. Đặc biệt cách sau cũng có thể sẽ làm cho tụi xe máy không thể nào chạy được nữa, những kẻ chuyên bấm còi inh ỏi trong đêm. Nhưng tất nhiên tôi đã không làm điều đó, ít nhất cũng bởi vì hành động đó chẳng khác gì việc tôi tự bắn vào chân mình. Một người bị dội nước ướt sũng và một chiếc lốp xe nát bét chẳng giúp cho tôi ngủ ngon giấc hơn. Lúc sau, tôi chấp nhận sự việc với một cung cách khinh bỉ lạnh lùng, và tự an ủi với suy nghĩ rằng cuối cùng thì cũng sẽ đến một lúc nào đó tôi sẽ tự giải phóng được mình khỏi cái điều tai ác này.


Trong những tình cảnh như vậy người ta dễ dàng quên mất những số phận con người ẩn đằng sau cái thân hình toát lên vẻ nhẫn nại kia, những thân hình đang đẩy xe đạp hoặc xe hàng đi trên những con đường gập ghềnh trong mọi ngõ ngách. Trong hầu hết các trường hợp, tôi không hiểu rõ họ rao cái gì, nhưng tôi nhận ra họ qua giọng rao hoặc qua nhịp điệu đơn điệu của lời rao. Họ bán đồ ăn tự làm hoặc đồ dùng gia đình, nhận làm những công việc sửa chữa nhỏ, thu mua phế liệu để sau đó bán lại kiếm một chút tiền lời. Ví du như có một cô trong số đó, người có giọng rao rè rè như tiếng bàn cạo, sáng và trưa nào cũng đi qua nhà chúng tôi. Cô ta bán chiếu và giỏ bện, chúng được chất đầy trên chiếc xe đạp. Hoặc như người đàn ông da đen đủi gầy còm với chiếc mũ nhựa xanh rao bán bánh mỳ ngọt. Giọng rao của anh theo đuổi tôi đến tận trong giấc ngủ. Tôi không biết tên anh ta là gì. Chỉ là một con số trên đường phố. Cũng giống người đàn bà với chiếc cân, tôi có thể ngâm nga lại nhịp điệu lời rao của cô ta. Ngày nào cũng thấy cô ta đi làm, năm này qua năm khác. Cô ta là một trong số hàng ngàn "người lớp dưới".


Hà Nội, Xuân 2009. Một số lượng đáng kể các tấm bảng chưng bày được chưng kín cả một hội trường rộng rãi, chúng miêu tả sinh động các điều kiện cực nhọc, mà những người bán hàng rong của Hà Nội phải trải qua trong công cuộc mưu sinh của mình. Nó đặc trưng cho cái nghèo đói, thiếu thốn và tạm bợ, cho cuộc đấu tranh liên tục vì sự sống còn và với một chính quyền tham nhũng. Và lại còn nỗi lo sợ cho sự tồn tại nữa, bởi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên bố giải quyết vấn nạn hàng rong vô tổ chức. Ý kiến về vấn đề này của những người thuộc đối tượng của tuyên bố đó đã quá rõ ràng. Còn ý kiến của các chuyên gia và dân chúng thì tỏ ra trái ngược nhau. Mâu thuẫn giữa dịch vụ cung cấp hàng hóa rẻ và mỹ quan đô thị. Sự phát triển đô thị một bên và bên khác là cuộc sống ở ranh giới của sự tồn tại. những chiếc xe đạp dựng ở giữa phòng, được lắp đầy những giỏ và giá đựng trong đó là những đồ sứ và các sản phẩm tre được xếp chồng lên nhau một cách sạch sẽ gọn gàng, trông chúng cứ như là các cuộc trưng bày của các nghệ sĩ hành động, và của các kẻ khiêu khích. Song chúng rất đúng với thực tế, và mỗi một du khách đến Hà nội đều có thể tự mình xác minh điều này. Xe đạp được lắp đặt những cái khung cao, những giá treo quần áo và những vòng gỗ, hoặc xe máy với vô số những két nhựa chứa đồ uống hoặc những thùng nhựa tròn buộc bên hông, vừa phải giữ thăng bằng vừa chuyển động nhộn nhịp trên đường phố. Các câu hỏi về an toàn ở đây coi như thừa. Một câu hỏi nữa là, làm thế nào mà những phụ nữ mảnh mai đó (phải dùng chữ những vì quả thật có rất nhiều phụ nữ) lại có thể giữ được thăng bằng với cái khối nặng đó. Nó cũng phải dễ dàng thôi. Hơn nữa phụ nữ châu Á rất dẻo dai. Thôi chúng ta hãy để cho họ tự nói về mình:


"Em ở làng pháo "Bình Đà". Sau khi người ta cấm làm pháo, người dân bắt đầu chuyển sang bán hàng rong trên đường phố. Em có hai cháu còn đang đi học. Chồng em và em có một mảnh đất nhỏ để cày cấy, nhưng thu nhập không đủ để nuôi cả gia đình. Hơn nữa, nhà nước đang muốn trưng dụng mảnh đất đó để xây dựng một khu công nghiệp. Bây giờ hàng ngày em đạp xe lên Hà Nội để bán hàng vặt. Ngoài mía ra, em cũng bán thêm cả hoa quả nữa."


"Em lập gia đình từ năm 21 tuổi. Một thời gian ngắn sau đó em sinh cháu, việc có cháu làm cho cuộc sống của em trở nên khó khăn hơn. Do vậy em phải tìm cách đi ra ngoài buôn bán, vì ở nhà chẳng có việc gì để làm. Hiện nay các con em chúng sống với ông bà, em và chồng ra Hà Nội để đi làm kiếm tiền."
"Tôi dậy ra đi từ rất sớm và mãi tận tối mịt mới về đến nhà. Các cháu nhà tôi còn quá nhỏ nên chưa có thể đỡ đần gì được các việc trong nhà, vì vậy về đến nhà là tôi lại phải xoay lưng ra nấu nướng. Ngày nào chúng tôi cũng ăn rất muộn. Chồng tôi và tôi sống riêng ở hai nơi, và tôi có tránh nhiệm phải làm tất cả những công việc nội trợ, mặc dù tôi rất mệt mỏi sau một ngày làm việc cực nhọc." Chính quyền thành phố Hà Nội đã chính thức cấm bán hàng rong trên một số đường phố, nhưng những người bán hàng rong không có sự lựa chọn khác ngoài việc tiếp cứ tục như trước đây, trong nỗisợ hãi thường xuyên bị cảnh sát bắt giữ:

"Tôi cũng đã biết có quy định mới, nhưng tôi vẫn tiếp tục phải làm để nuôi sống gia đình. Chúng tôi sẽ chết đói nếu tôi ở nhà! Đất nông nghiệp của chúng tôi có quá ít. Từ khi có quy định, tôi nhiều lần đã bị cảnh sát đuổi bắt, và hàng bán cũng đã ít hẳn đi. Nếu có công việc làm khác cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không phải làm cái công việc cực nhọc này."

"Những ngày này người ta vây bắt nhiều lắm, và vì vậy tôi phải cho rau của tôi vào trong túi nhựa, rồi dấu vào trong hốc cây ở trong ngõ. Làm thế để dễ chạy thoát khi bị vây ráp, và ngay cả khi bị họ bắt, nếu có bị tịch thu thì mất cũng không nhiều. Hôm nay tôi đã phải chạy trốn hai lần rồi. Mặc dù vậy tôi cũng chỉ mong sao cuối ngày có đủ tiền để nuôi các cháu."


"Đôi khi người ta đuổi chúng tôi cũng chỉ vì họ không cho đứng bán trước cửa hàng của họ. Có người còn gọi cảnh sát. Nếu bị cảnh sát bắt, tôi phải nạp phạt 40.000 - 50.000 đồng (tương đương khoảng 2 €). Đó là toàn bộ thu nhập cả ngày của tôi!"

Thu nhập của những phụ nữ này đặc biệt rất thấp. Một nghiên cứu được tiến hành trong năm 2008 cho thấy đa số sau khi trừ đi chi phí cho ăn uống và vận chuyển họ còn lại trong tay không đầy 1 đô la Mỹ một ngày. Và thậm chí cả số tiền đó có cũng chỉ có thể có được khi đã hạn chế chỉ chi tiêu cho những cái thực sự thiết yếu:


"Nếu tôi không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tôi có thể tiết kiệm thêm được một ít nữa. Ăn uống tôi cũng hết sức tiết kiệm. Ăn sáng chỉ có cơm nguội, và bữa ăn chính cũng rất đơn giản."

"Tôi chỉ kiếm được khoảng 10.000 đồng (khoảng 50 cent Mỹ) một ngày. Tôi ăn ngoài phố. Thường thì tôi chỉ mua suất ăn khoảng 2.000 đồng trong đó có một chút rau xào hoặc hai miếng nhỏ thịt nướng. Ngày nào tôi kiếm được nhiều hơn một chút, tôi có thể mua suất ăn nhiều hơn, hoặc mua một số thuốc men cần thiết. Một ít kẹo bánh cho các cháu của tôi. Nhiều hơn nữa thì không có tiền."

"Tôi đi bán tất cả các ngày trong tháng, thậm chí cả lúc tôi bị ốm hoặc khi xấu trời. Tôi chỉ ở nhà khi trong nhà có sự kiện gì lớn."

Ngoài công chúng mọi người cũng đang bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Các nhà quy hoạch đô thị, các nhà khoa học và người tiêu dùng hiện nay đang không nhất trí với nhau về ý nghĩa của của quy định này:

"Bán rong đường phố có nguồn gốc từ sự đô thị hóa xã hội. Những người Hà nội đầu tiên đã quen với việc mua bán hàng hóa dùng hàng ngày trong phạm vi gần nơi ở, và điều này đã tạo điều kiện cho kiểu buôn bán này phát triển mạnh mẽ. Cho nên hiện tượng này là hiện tượng gắn liền với những thói quen lâu đời, không dễ gì thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhu cầu của một số ít dân chúng không thể đặt trên lợi ích chung. Dân chúng Hà Nội sẽ phải làm quen dần với việc không còn có thể chạy ào ra khỏi nhà khi nghe thấy một người bán hàng nào đó đi qua, hoặc có thể dựng xe máy của mình ở khắp mọi nơi trên vỉa hè để đi mua sắm. Điều này ảnh hưởng đến sự chung sống có trật tự! "

"Tôi hiểu rằng nhiều người dân ở Hà Nội nhìn những người bán hàng rong là một vấn đề và sắp tới muốn đuổi tất cả họ ra khỏi thành phố. Là một nhà kinh tế, tôi nhìn nhận vấn đề dĩ nhiên khác hơn. Khu vực này cung cấp cho người dân thuộc mọi tầng lớp khác nhau những sản phẩm và dịch vụ quan trọng trong đời sống với giá cả phải chăng. Nó ngoài ra cũng là một khu vực kinh tế của rất nhiều người không được học hành, rất khó có thể được chấp nhận sử dụng trong những lĩnh vực kinh tế khác, hoặc ít ra cũng bị hạn chế về thu nhập. Người bán hàng rong của Hà Nội là một yếu tố quan trọng trong cơ cấu xã hội, nếu không có họ khoảng cách giữa người giàu và người nghèo sẽ còn mở rộng đáng kể hơn nữa."


"Hiện nay không có chỗ cho người bán hàng rong, song chính quyền địa phương sẽ sớm ban hành một đạo luật, đường phố nào mật độ giao thông ít có thể được sử dụng làm nơi mua bán. Chúng tôi sẽ bảo vệ những giá trị truyền thống của cuộc sống có tính đến các yếu tố kinh tế-xã hội và của các đòi hỏi nhất định về mặt thẩm mỹ từ góc nhìn của việc quy hoạch đô thị. Liệu có phải cố giữ lại những phong tục cổ bằng mọi giá? Hãy lấy khu phố "cổ" làm ví dụ: nếu chúng ta đạt được việc biến đổi khu phố này thành khu vực dành cho người đi bộ, khi đó sẽ có chỗ cho những người bán hàng rong. Tuy nhiên, hiện nay họ chỉ là những người cản trở giao thông, có tác động tiêu cực đến cảnh quan đô thị."

Ngay cả nội bộ những người tiêu dùng cũng không thống nhất:

"Đất nông nghiệp đang giảm dần. Do đó, rất nhiều nông dân buộc phải ra thành phố làm nghề bán hàng rong. Đó là một cuộc sống khó khăn. Ngày mưa quần áo ướt hết, ngày nắng bỏng rát da dẻ, còn mùa đông thì run rẩy vì lạnh. Nếu chúng ta không muốn có những người dân ở các đường phố của mình, khi đó chúng ta phải có những biện pháp để đảm bảo sao cho họ không còn phụ thuộc vào những loại công việc như thế nữa."

"Tôi cho rằng việc cấm buôn bán hàng rong là đúng đắn. Vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn. Kể từ khi quy định này được ban hành, đường phố không còn bị tắc nghẽn và đã trở nên lưu thông hơn. Tuy nhiên, đối với những người buôn bán đó lại là một thảm họa."


"Thỉnh thoảng tôi cũng mua của những người bán hàng rong, bởi vì như vậy rất thuận tiện. Tuy nhiên, tôi chỉ mua rau và trái cây, đồ thực phẩm khác hoặc thịt tươi thì quá mạo hiểm, bởi vì chúng được bán ra trong điều kiện không hợp vệ sinh và thường vấy bẩn bụi đất. Ngoài ra tôi không biết nguồn gốc của chúng từ đâu. Theo tôi chính phủ nên cấm tuyệt đối việc bán các sản phẩm nguy hiểm. Còn việc cung cấp tại chỗ các lọai trái cây và rau quả tôi thấy rất thuận tiện."

Những người phụ nữ này, xuất thân từ các tầng lớp thấp trong xã hội, họ đã phát triển một chiến lược của riêng mình để đảm bảo sự sống còn của họ trong thành phố. Trong tầng lớp của mình, họ tìm sự bảo vệ và đùm bọc ở những liên kết xã hội, đó đồng thời cũng cái làm ngọt ngào thêm cho chút thời gian rỗi hiếm hoi của họ. Người châu Á không không phải là loại người chiến đấu đơn độc, đối với họ mối liên kết xã hội là cái quan trọng, và nếu đơn độc một mình, nhiều người sẽ không thể nào trụ lại được ở thành phố.

"Chị gái tôi đã đem tôi theo đến đây. Ở đây có nhiều chị em cùng làng tôi. Ở cùng với chị em tôi cảm thấy ấm áp dễ chịu, khi còn ở nhà cùng chồng lúc nào tôi cũng cảm thấy buồn. Thời gian đầu tôi luôn cảm thấy thiếu anh ta, nhưng tôi cũng đã nhanh chóng quen với cuộc sống mới. Ở chung có chị có em nó cũng làm vơi đi nỗi buồn và sự cô đơn, và cuộc sống của tôi hiện giờ tốt hơn khi còn ở nhà với chồng."

"Đi bất cứ nơi nào chúng tôi cũng hẹn chỗ gặp nhau để cùng nghỉ ngơi. Thường ra chúng tôi hay ngủ trưa trên băng ghế công viên. Không có ai đánh cắp hàng của chúng tôi, nếu như họ muốn mua một thứ gì đó, họ chỉ cần đánh thức chúng tôi."

"Tôi phải trả 280.000 đồng tiền thuê nhà một tháng (khoảng 10 €) cho căn phòng này. Do vì tôi không có bếp, cho nên tôi sử dụng nồi cơm điện. Mọi thứ khác, chẳng hạn như rau, tôi nấu nhờ bên nhà hàng xóm. Tôi cũng không có cả thời gian để nấu ăn. Chúng tôi ba người ăn chung với nhau và chi hết khoảng 6.000 đồng một người. Gạo chúng tôi mang theo từ nhà."

Và để cho không có cái cảm giác lửa trại lãng mạn nổi lên:


"Tôi thức dậy vào khoảng ba bốn giờ và rời khỏi nhà lúc sáu giờ. Khoảng giữa bảy và tám giờ tối tôi mới lại về đến nhà. Hàng ngày tôi ăn ở ngoài phố, tốn khoảng 5.000 đồng. 7.000 đồng một đêm tôi phải trả cho quán trọ, nơi tôi ở chung cùng với hai chị em khác. Mỗi tháng tôi có thể dành ra được một triệu gửi về cho gia đình."

Luật mới làm cho cho mọi người hoang mang và sợ sệt. Lo âu cho cuộc sống. Lựa chọn khác chưa thấy trong tầm nhìn, ít nhất là cho đa số trong họ. Chưa hề có một dịch vụ nào về thị trường lao động. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, và người bán hàng rong của Hà Nội là những nghệ sĩ của sự sinh tồn:

"Tôi chưa có ý tưởng nào, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ phải suy nghĩ về một cái gì đó. Nếu chính quyền không muốn chúng tôi có mặt trên đường phố, thì họ phải lập ra những khu vực mua bán cụ thể. Liệu chúng tôi có đủ sức để thuê những chỗ đó cũng sẽ lại là một vấn đề khác. Nếu không thì chúng tôi sẽ bị đe dọa chết đói! Chồng tôi và tôi cả hai đều không có việc làm, chúng tôi còn có hai con nhỏ, và giá lương thực lại đang tăng nhanh.

"Những ngày qua rất nhiều điều xảy ra với tôi trong đầu. Tôi có ba con nhỏ. Làm nghề bán rong đường phố, tôi có thể đem về cho họ những thứ cần thiết như đồ ăn và quần áo, nhưng nếu tôi bị cấm hành nghề, làm thế nào để chúng tôi có thể tồn tại? Chúng tôi tất cả không thể nào quay trở lại làng của mình, đó là điều không thể! Tôi hy vọng rằng luật này chỉ giới hạn trong một số đường phố nào đó, chẳng hạn như khu du lịch. Lúc đó, chúng tôi sẽ chấp hành."



Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra đối với người bán hàng rong của Hà Nội. Có thể người ta sẽ tìm thấy một giải pháp hợp với thực tế, hoặc điều luật chỉ được thực thi một cách nửa vời. Xua đuổi họ ra khỏi khu phố cổ, tôi cho rằng đó là điều không hay, bởi vì ở đó họ, cũng giống như những người đạp xích lô và lái xe ôm, đều đóng góp làm nên những nét đặc biệt của địa phương thu hút những du khách (tuy rằng đôi khi cũng gây nên nỗi khó chịu). Những người phụ nữ đội nón với những chiếc xe đẩy, những chiếc xe đạp, hoặc với những đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, sẽ rất có thể còn đi lại rất lâu nữa trên những con đường trong phố. "Ai mua bánh khúc?".
Nguồn: www.comediantraveller.com


This post first appeared on Bauxite Việt Nam, please read the originial post: here

Share the post

Ai mua bánh khúc?

×

Subscribe to Bauxite Việt Nam

Get updates delivered right to your inbox!

Thank you for your subscription

×