Get Even More Visitors To Your Blog, Upgrade To A Business Listing >>

Thấy người khác chết nhớ đến mình


Chúng ta cần luôn quán chiếu mọi sự việc, khi thấy người khác chết, phải nhớ tới mình cũng sẽ chết. Đừng nên nghĩ việc đó là của người ta, không dính tới mình, người ta chết chớ mình không có chết, đó là một sai lầm lớn.

Trong kinh A Hàm ghi khi Phật ở tại tinh xá Kỳ Hoàn dạy các vị Tỳ kheo quán về cái chết như sau: Ở thế gian có 4 hạng ngựa:

1- Loại ngựa vừa thấy bóng roi của chủ liền sợ, đi theo ý chủ.

2- Hạng ngựa này phải đợi cây roi chạm vào lông mới sợ.

3- Hạng ngựa thứ ba, đợi roi đánh đụng da bị đau mới chạy.

4- Hạng thứ tư, đợi roi đánh mạnh đau thấu xương mới chạy.

Và Phật hợp pháp, để độ bậc trượng phu qua bờ giải thoát, cũng có 4 pháp:

1- Có những người chỉ nghe ở trong thôn xóm, có kẻ nam người nữ bị bệnh, khổ đau bức ngặt sắp chết. Nghĩ mình rồi cũng vậy, nên liền sanh nhàm chán đối với pháp thế tục, để hết lòng tu thiện. Đó là bậc trượng phu điều thuận, như ngựa thấy bóng roi liền chạy.

2- Có người nghe chưa đủ, phải chính mắt mình thấy kẻ nam người nữ trong xóm bệnh, bị khổ ngặt nghèo sắp chết. Cảnh này khổ quá, rồi mình cũng sẽ đi tới chỗ đó, nên thức tỉnh lo tu. Đó giống như loại ngựa thứ hai.

3- Chỉ cho người chính mắt thấy cảnh khổ của người cũng chưa chịu tỉnh. Phải chính mắt mình thấy, bà con thân quyến của mình bị bệnh, khổ ngặt nghèo mới chịu tỉnh, còn người kia là người dưng không dính dáng đến mình. Đó là giống hạng ngựa thứ ba ở đây.

4- Hạng người này phải đợi chính thân mình bệnh khổ mới tỉnh.

Phật dạy 4 hạng người giống như 4 loại ngựa của bậc hiền nhân cỡi. Hạng người thứ tư còn dở nhưng cũng có tỉnh, chớ còn nhiều người không chịu tỉnh, thấy người ta chết là chuyện người ta. Tới khi chính mình khổ cũng chưa tỉnh, còn lo sự nghiệp trăm năm, lo xây mồ mả kiên cố nguy nga, mua cái hòm chắc đến trăm năm mới mục, vẫn không chịu tỉnh. Cổ đức có bài kệ nhắc nhở mọi người thức tỉnh tu hành:

Ngã kiến tha nhân tử
Ngã tâm nhiệt như hỏa
Bất thị nhiệt tha nhân
Khán khán lâm đáo ngã.
***
Ta thấy người khác chết
Lòng ta nóng như lửa
Không phải nóng đốt người
Thấy sẽ đến phiên ta.

Thấy người khác chết lòng mình như lửa đốt. Cái nóng đây là thấy người ta chết, biết mình cũng sẽ đến cái chết. Người lanh lợi nhạy bén là như vậy, thức tỉnh nhanh chớ không phải nghĩ đó là việc riêng của người khác. Đây là pháp cảnh tỉnh chúng ta sống bớt buông lung, và có liên hệ tốt với nhau. Như vậy, thấy rằng thân này không bền chắc, không nên quá mê đắm vào nó để bớt tạo nghiệp, đó là con đường tu. 

Nếu không hiểu được như vậy, mê đắm vào thân này chấp nó là mình, rồi theo đó tạo đủ muôn ngàn thứ nghiệp, Phật gọi đó là vô minh, là điên đảo. Từ “điên đảo” rất hay. Điên là điên khùng. Đảo là đảo ngược, lộn ngược. Cũng vậy, cái không phải mình mà nhận là mình, không phải thật nhận là thật, đúng là điên đảo. Nhờ Phật pháp chỉ dạy, chúng ta luôn luôn quán chiếu, mở sáng trí tuệ để thấy đúng lẽ thật, đó là chỗ Phật thương xót, đánh thức cho chúng ta tiến tu, chớ không phải cứ mê lầm lo tạo nghiệp.

Trong kinh Tọa Thiền Tam Muội có bài kệ:

Ngày nay làm việc này
Ngày mai làm việc kia
Tham đắm không thấy khổ
Bất giác giặc chết đến.

Ngày nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, cứ lo tham đắm liên tục, bất chợt cái chết đến, không có phao, không có gì hết…….

Lăng xăng lo việc mình
Việc người cũng chẳng yên
Giặc đến không hẹn trước
Lúc đến không trốn thoát.

Việc mình lăng xăng, việc người cũng vậy, cái chết đến lúc nào không hay, không hẹn trước, không trốn thoát gì được.

Như con nai khát nước
Cắm đầu bên suối uống
Thợ săn chẳng thương xót
Chẳng để uống rồi giết.

Con nai khát nước đến bờ suối uống, thợ săn rình sẵn là giết ngay, không để cho nó uống nước xong mới giết. Cũng vậy khi cái chết đến, nó không nói đợi người đó làm xong việc đó rồi hãy chết, nó không hẹn và không chừa ai cả.

Người ngu cũng như vậy
Siêng năng lo sự nghiệp
Chết đến chẳng hẹn lúc
Ai sẽ bảo hộ ông?

Người mê cứ lo tạo nghiệp này, nghiệp nọ, không lo kết phao, khi chết đến lấy gì bảo hộ. Lúc đó thì đâu có hẹn lại được, là việc này tôi chưa làm xong hãy đợi cho tôi làm xong. Như ngoài đời có nhiều người nói bận nhiều việc, hoặc là còn lo cho mấy đứa cháu còn nhỏ, nên không có thời gian tu. Khi tuổi thọ hết, vô thường đến không hẹn đợi chờ ai cả, phải theo nó ra đi thôi.

Lòng người mong giàu sang
Hưởng ngũ dục chưa thỏa
Như các hàng vua chúa
Không ai mà khỏi chết.

Tham cầu giàu sang, sống một đời đầy đủ vật chất như vua chúa cũng phải chết.

Bậc tiên trì chú tiễn
Cũng không khỏi chết sống
Voi dữ vô thường đến
Trùng kiến cũng thành đất.

Những vị tiên trì chú trường thọ, hoặc uống thuốc trường sanh bất tử mong không chết, song cuối cùng rồi cũng chết, không ai thoát khỏi; từ loài lớn đến loài nhỏ như trùng, kiến cũng thành đất. Phật dạy chúng ta quán kỹ, thấy rõ được lẽ thật cái chết đến là như vậy, để chuẩn bị tinh thần không nên nghĩ chúng ta còn sống lâu chưa đến nổi, không phải vậy. Phải lo chuẩn bị khi cái chết đến không chới với, hoảng sợ mà phải rõ sanh tử là lẽ thường nhiên, sợ cũng không khỏi được. Có chuẩn bị trước thì hay hơn, bình tỉnh ra đi an bình hơn.

Một bậc thầy Tây Tạng có dạy: “Một trong những lý do chính, khiến ta lấy làm khó khăn lo sợ khi đối mặt với cái chết, là vì ta tảng lờ sự thật về vô thường. Chúng ta cứ khăng khăng, muốn mọi sự đều tiếp tục như cũ, đến nỗi ta tưởng rằng chúng vẫn như vậy, nhưng đó chỉ là ảo tưởng”.

Ngài dạy, do chúng ta tảng lờ, lờ qua cái chuyện vô thường, không dám nghĩ đến, khiến ta lấy làm khó khăn lo sợ khi đối mặt với cái chết. Thí dụ ở đời già sắp chết phải sắm cái hòm, không dám gọi là cái hòm mà gọi là cái thọ, rõ ràng như vậy. Tức là né tránh sự thật về vô thường, nên khi nó đến thì sợ hãi chới với. Vì thế, chúng ta phải luôn luôn quán chiếu, phải nhớ mỗi khi mình đang đi, đang bước là đang đi trong cái chết, khi cười cũng đang cười trong cái chết, luôn nhớ như thế thì lúc nào cũng tỉnh.

Thích Thông Phương


This post first appeared on Tự Hiểu Mình's, please read the originial post: here

Share the post

Thấy người khác chết nhớ đến mình

×

Subscribe to Tự Hiểu Mình's

Get updates delivered right to your inbox!

Thank you for your subscription

×