Get Even More Visitors To Your Blog, Upgrade To A Business Listing >>

Sống để làm gì?

Xét về ý nghĩa đời sống con người thì bậc trí giả nhận thấy: "Sống là một cuộc chạy trốn". Chạy trốn nỗi khổ, niềm đau, căng thẳng, lo lắng tinh thần, ... và nhiều người đã bỏ trốn bằng cách tự tử, ăn chơi trụy lạc, sa đọa, ... hay tìm đến niềm tin tôn giáo để an ủi số kiếp của mình.

Thật ra, con người đâu phải sinh ra và sống trên đời là để sung sướng, dục vọng, tham muốn chiếm hữu, chạy theo lợi ích tiền tài, danh lợi, ái tình hay ăn uống, gây gỗ, tranh giành, thưa kiện, ...

Đời sống tự nó vốn thanh bình, nhưng con người đã quên mất ân sủng của thiên nhiên, mải mê tìm cầu những hư ảo của cuộc đời, rồi để liều mạng hủy hoại cuộc sống của mình. Sống - chết chỉ vì tiền. Bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa cũng vì tiền. Đó là ngu si mê ám. Một khi mạng sống này không còn thì tiền tài, tình yêu, danh vọng đều trở nên vô nghĩa. Ấy vậy mà cái ảo giác mê lầm, quan niệm ngu muội ấy đã được người đời trau chuốt, theo đuổi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người nào thực sự hiểu được điều đó mới đáng sống, mới thật sự đang sống và sẽ đến được điểm cuối cùng của chân lý cuộc sống.

Vậy, chân lý cuộc sống là gì?

Nhà hiền triết Xavier de Maistre đã nói: "Một cái giường đã chứng kiến chúng ta sinh ra và chết đi, ấy là sân khấu biến hóa mà loài người thay phiên nhau đóng những màn kịch đầy hứng thú, những trò hề buồn cười và những bi kịch kinh hãi. Chính nó là cái nôi trang bị những hoa, là ngai vàng của ái tình và cũng là cái mồ"

Pascal, một nhà hiền triết người Pháp đã nói: "Thử tưởng tượng một số người đang xiềng xích trong ngục đợi đem ra xử tử, mỗi ngày xử trảm mấy người ngay trước mắt của những người kia. Kẻ ở lại trông thấy thân phận của mình là những người ra đi và nhìn nhau thảm sầu, thất vọng, đợi đến lượt mình. Ấy là hình ảnh, là chân lý, là ý nghĩa của kiếp người là thế. "

Có một người, khi tuổi còn thơ đã tận mắt nhìn thấy mẫu thân vì nghèo khó, khốn cùng quẫn trí mà tự sát. Cái chết của mẹ cứ mãi ám ảnh, hằn sâu trong tâm hồn thơ dại của cậu bé. Khi cậu bé được 15 tuổi thì em trai cậu lại vì cùng quẫy lại tự sát. Thấy 2 người thân của mình mất đi như thế kiến cậu ta có suy nghĩ hết sức sai lầm: "Chết là điểm cuối cùng của con người". Do đó, cậu ta chán sống và nhiều lần tự vận nhưng đều được mọi người phát hiện và cứu sống. Hòa thượng trụ trì chùa Báo Ân thấy cậu ta đáng thương nên đem về cho ở trong chùa. Vào chùa nhưng cậu ta cứ suy nghĩ mình sống có ích gì, ở lại nhân gian chỉ càng thêm khổ, chi bằng một phen chết cho xong.

Một hôm, hòa thượng trụ trì chùa đến thăm, thấy cậu ta tinh thần chán nản liền khuyên cậu rằng: "Ta không thể cứu con, chỉ có con mới cứu được con thôi. Con đi ngồi thiền đi và ngồi thiền mỗi ngày. Nhưng ta cần báo cho con biết là ngồi thiền thật không có lợi ích". Nghe hòa thượng nói vậy, cậu hoang mang, nghi ngại nên hỏi: "Đã không có lợi ích, vì sao phải ngồi thiền ?". Nghe xong hòa thượng trụ trì đáp: "Bởi vì không có lợi ích nên mới phải ngồi thiền". Nghe xong, cậu ta liền ngộ ra chân lý sống. Hòa thượng trụ trì nói: "Người ta sống trên đời không phải vì lợi ích mà vì sự sống. Chết thật dễ dàng, sống mới thật khó, sống mà làm được nhiều điều tốt đẹp lại càng khó hơn. Cho nên người biết quý trọng hiện tại mới có thể nắm chắc được cuộc đời"

Sự sống là tất cả, chết là mất tất cả

Ông Quyau nói rằng: "Người ta sống hoàn toàn đầy đủ khi người ta sống vì kẻ khác". Nhà hiền triết nước Anh là J. Jrousseau từng nói: "Người mà trải đời nhiều nhất không phải là người nhiều tuổi nhất mà chính là kẻ phán đoán đời nhiều nhất. Có người sống đến trăm tuổi mà như chết lúc mới lọt lòng". Alexander Rushkin quan niệm: "Sống lâu là điều mong của đa số con người. Nhưng sống một cách đáng sống chỉ là ước vọng một thiểu số mà thôi". Theo ông Bailey thì: "Điều quan trọng không phải chúng ta được sống bao lâu mà chúng ta phải sống như thế nào". Cũng thế, Seneque cho rằng: "Điều cốt yếu của con người là biết sử dụng đời sống của mình chứ không phải là sự sống lâu" hay theo Goethe: "Đời sống vô dụng là cái chết sớm"

Trong kinh Đại Hạnh Phúc (Maha Manga Sutta) có ghi: "Cái phước hạnh thật sự của đời người là có được một định hướng đúng"

Người an lạc và thăng bằng tâm hồn là người có mục đích cao thượng trong đời sống, có một con đường tốt để đi theo và có một triết lý để sống. Chúng ta đến với cuộc đời này với hai bàn tay trắng, rồi ra đi trắng đôi bàn tay. Khi sinh ra ta từ đâu đến và khi chết ta đi về đâu? Sống như đám mây lững lờ trên bầu trời và chết như đám mây trôi dạt tan biến. Đám mây phiêu bạt tự nó không tồn tại từ nguyên thủy, sống và chết, đến và đi cũng thế thôi. Nhưng có một vật luôn còn trọn vẹn, nó thanh tịnh không tùy thuộc vào sự sống, cái chết của xác thân. Đó chính là linh tánh, là Phật tâm của chúng ta.

Nếu con người chúng ta không tìm cho mình một lối đi cao thượng hay lối sống thanh cao thì ta sống một cuộc đời vô nghĩa. Có một kỹ sư cho biết: "Có một thanh sắc nặng 5kg, chúng ta có thể dùng nó làm một trong những việc sau đây: nếu là đinh sẽ bán được 10 USD, nếu làm kim may sẽ bán được 300 USD, nếu làm lò xo trong đồng hồ sẽ bán được 2500 USD, nếu bán sắc vụn sẽ đủ ăn 1 ly kem"

Chỉ 1 thanh sắc nhưng giá trị sử dụng lại khác nhau tùy thuộc vào việc chúng ta biết cách tận dụng nó hay không. Cũng vậy, đời sống chúng ta có giá trị và ý nghĩa như thế nào tùy thuộc vào bản thân chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng đời sống của mình cho mục đích và lý tưởng cao đẹp thì đời sống chúng ta là hữu ích. Bằng ngược lại thì chúng ta sống thừa, sống phí phạm cũng như thanh sắc kia đem bán cho người mua sắc vụn.

Trong cuốn Bồ tát Hạnh có câu: "Ngày hôm nay ta đầy đủ duyên lành được làm người mà không biết tạo công đức thì hỏi làm sao ta có thể tạo công đức khi bị đau khổ hành hạ trong ba đường ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh". Đại sư Gunathang thường dạy: "Được làm người là một cơ duyên hy hữu, một sự cố độc nhất, có khi ta chỉ làm người một kiếp duy nhất mà thôi. Dù chúng ta đã trải qua nhiều kiếp trước đây, ta vẫn chưa biết sống kiếp này cho xứng đáng". . .

Đời người và Cuộc đời

Đời người là cuộc chạy đua với tử thần mà ta đâu biết khi nào sẽ chết. Quán tưởng về tư duy và cái chết sẽ làm thay đổi mục tiêu và giúp chúng ta buông bỏ hết thói quen dục vọng thường tình. Nếu chúng ta luôn luôn nhớ rằng hiện tại là khoảnh khắc cuối cùng của đời mình, thì chúng ta sẽ nỗ lực làm thiện, tu tập để không uổng phí hay dùng sai cơ hội làm người quý báu của mình. Và trong cuộc đời ngắn ngủi này, biết bao bạn bè, kẻ thù của ta đã đi, duy chỉ còn lại nghiệp xấu ác, hay nghiệp tốt đẹp (mà ta đã tạo ra với họ) là còn ở lại với ta, đang đe dọa ta mà thôi. Ta phải hiểu và ý thức rằng ta chỉ là một kẻ du khách trên cuộc đời này nên ta đừng để cho vô minh, ngu dốt, tham dục dẫn dắt ta mà tạo nghiệp ác.

Trong kinh A-Hàm, Phật dạy: "Vì nghiệp đời trước mà chúng ta sinh ra trên cõi đời này và nghiệp bắt đầu từ sự tham muốn, và ái dục do tham muốn tạo ra. Sở dĩ chúng sinh có những thú hướng mê muội sai khiến chúng sinh là vì chúng sinh bị vô minh tăm tối làm cho sai lầm trong chỗ nhận thức, chỗ phán xét và đánh giá sự vật ở đời".

Nghiệp tham dục và vô minh là cội rễ của sự sống chết và tái sinh luân hồi bất tận. Đoạn diệt những rễ ấy làm cho sự tái sinh phải diệt. Chỉ có các vị A la hán mới thật sự giác ngộ và thấu triệt tiến trình "sinh ra" và "diệt đi" một "hữu thể" hay "người" và chấm dứt tiến trình sinh tử đó bằng sự nỗ lực tâm linh trí tuệ, còn con người ở thế gian phần nhiều rượt đuổi nhau trên lộ trình đến giàu sang phú quý. Đó là nguyên nhân làm cho phật tánh lu mờ.

Người ta ở đời có hai điều thiếu thốn:

Thiếu thốn về vật chất:

Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà cửa trống trước rách sau, khổ sở về xác thân, … dễ tạo nghiệp xấu ác. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều thứ 6 ghi rằng: "Đệ lục giác tri, bần khổ đa oán, hoạch hết ác duyên, Bồ tát bố thí, đẳng niệm oán thân, bất niệm cựu ác, bất tằng ác nhân". Nghĩa là nghèo khổ hay oán hận thường kết ngang duyên ác, Bồ tát hành bố thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lối cũ, không ghét bỏ người ác.

Thiếu thốn về tinh thần:

Người tham lam, gian xảo, kiêu căng, … tạo đủ tội ác, không những có hại cho mình, nhiều khi còn nguy hiểm đến bà con và nhiều người đời sau nữa. Thế nên thiếu thốn về phần tinh thần quan trọng hơn thiếu thốn về vật chất.

Con người chỉ biết ăn ngủ và sống thì đời sống ấy chẳng khác gì với đời sống các loài vật, vì các loài động vật khác cũng có sự sống và biết ham ăn thích ngủ như thế. Cho nên, để đánh giá con người cần phải dựa vào cách sống của người ấy. Một cách sống thích hợp với địa vị con người là sống hợp với lý tánh, lương tâm, đạo lý, lẽ phải, chế ngự được các thú tánh phát sinh bởi bản năng cộng thông với các loài khác.

Trong bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang số 37, bài "Trường đạo lý" ghi rằng: "Học đạo lý là học cái lẽ sống, con đường bước lên mà đối với cổ nhân xưa đã được, cho nên tu là tiến hóa từ ác lên thiện".

Có ba hạng:

"Từ ác đến thiện
Từ thiện đến tu
Từ tu đến thành đạo"

Nghĩa là đối với chúng sinh nhiều kiếp tới kiếp thiện, nhiều kiếp thiện mới tới kiếp tu và nhiều kiếp tu mới thành đạo

"Cỏ với cây là một loài lớp dưới
Người với thú là chung 1 lớp
Trời với Phật là dạng lớp trên
Thú, cỏ, cây là vô minh hành ác
Người, Trời, Phật là hữu minh hành thiện
Giữa Người và Thú cái ranh ngăn thiện - ác
Lớp trên Người, Trời, Phật là có biết đạo đức
Lớp dưới Thú, Cỏ, Cây là chưa biết, chưa có đạo đức hoặc đang có đạo đức ít hơn
Bởi Người, Trời, Phật là lớp có học, có dạy bằng đạo đức. Nên con Người đã biết lẽ phải phải rất nhiều".

Cái dốt nát cơ bản của con người là cái dốt nát về lý vô thường, cứ mãi vui chơi nơi cát bụi, rồi ngã ra chết hoàn toàn không biết gì về mình. Cam phận sống trong sự ngu dốt đó, không bao giờ biết thắc mắc về cuộc đời, sống không nghĩ ngợi gì cả. Sống để làm gì? Từ đâu sinh ra, cuộc đời này có ý nghĩa gì không? Ý nghĩa đó là gì? Bởi sống quá vô tư trong dục lạc nên sinh ra vô minh lầm lỗi. Sống ở đời người ta hơn nhau là hơn ở cái đầu biết suy nghĩ chín chắn.

Chuyện cổ Ấn Độ có câu chuyện cầu hôn bằng cái chết. Có một thái tử con vua xứ Ba Bum đi hành hương đến miền sơn cước để lễ bái một vị thần. Trên đường đi, thái tử nhìn thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp của một bộ tộc đang cỡi ngựa du ngoạn gần miếu sơn thần. Thái tử đem lòng thương yêu thiếu nữ ấy vô cùng. Thái tử vào miếu lễ thần là khấn vái thần linh là nếu tôi cầu hôn được thiếu nữ kia thì tôi sẽ chặt đầu tôi để dâng ngài.

Không biết có phải do lời cầu nguyện kia linh thiêng hay không, sau đó thái tử cầu hôn và cưới được thiếu nữ miền sơn cước, con một vị tù trưởng. Đám cưới diễn ra linh đình và 1 năm hạnh phúc trôi qua. Một hôm thái tử được tin bố mẹ vợ mời sang chơi. Hai vợ chồng sắp xếp lên đường và có cận thần bà la môn già cùng đoàn tùy tùng theo. Khi đi qua miếu sơn thần, thái tử nhớ lại lời nguyện xưa. Ngài là người rất trọng chữ tín: "Dù cho thịt nát xương tan, nhưng lời đã hứa quyết làm mới thôi". Nghĩ xong, thái tử rút gươm cắt đầu mình dâng cúng thần linh.

Người cận thần bà la môn già suy nghĩ: "Cùng đi có 2 chủ tớ, nay chủ chết rồi, nếu ta trở về triều đình khó mà giải bày với đức vua và triều đình, khó tránh sự nghi kỵ của triều đình là ta giết thái tử. Thôi tốt nhất ta cũng chặt đầu mình để tế thần như thái tử". Nghĩ xong, vị cận thần chặt đầu mình để tế thần.

Người vợ thái tử nhìn vậy thấy đau đớn, thương chồng vô cùng. Để tỏ lòng chung thủy và là vợ hiền đức theo đúng lễ giáo Bà la môn, cô cũng quyết định chết theo chồng, cũng định cầm gươm của chồng để cắt đầu mình. Lúc đó có tiếng nói vọng ra từ sau tượng thần: "Hỡi cô gái nhỏ kia, hãy chắp những xác chết này lại, đầu nào vào thân nấy rồi niệm đức thánh A Ra Ma (đó là thần Vishnu_ thần bảo vệ loài người) thì những người chết kia được sống dậy".

Nghe vậy, người vợ vô cùng mừng rỡ, nhưng vì luống cuống đã lấy đầu mình gắn vào thân xác lão Bà la môn còn đầu lão Bà la môn thì lắp vào thân chồng mình. Bỗng nhiên người chết động đậy rồi đứng thẳng dậy trước mặt người đàn bà. Thế rồi một cuộc cãi vã diễn ra giữa thân và đầu thái tử. Đầu và thân giành vợ không dứt.

Vậy đầu được vợ hay thân được vợ? Ai có quyền lấy cô vợ đó? Tất nhiên đầu thắng, thân phải thua vì trí khôn nằm trong đầu. Sự hiểu biết nằm ở đầu và chỉ huy sai khiến cả thân thể.

Tu cũng vậy! Tu phải có cái đầu, tu bằng cái đầu để nhận thức về cuộc đời, về đạo lý, về nhân quả tội phước. Thấy được cái si mê, cố chấp, bảo thủ của mình mà tu sửa để dùng tạo nhơn, tránh khỏi nghiệp quả. Tất cả đều vô thường không đem theo cái gì.

Trong cuộc sống của con người, sự rỗng tuếch, không có mục đích là cái đáng sợ hơn cả. Họ cứ sống trôi nổi trong đời, như giẻ rách trôi trên sông. Họ không biết được làm người là quý báu vô cùng.

Tóm là, người ta là cái gì ở trên trái đất này? Sinh ra, chết đi, ấy là đời người. Cuộc đời theo lời Phật dạy theo kinh Pháp cú. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi có mục đích để sống. Mục đích này không phải sống để hơn thua, tranh giành danh lợi, tham cầu ăn uống, ngủ nghĩ, tình ái si mê. Sống để rồi tự mình làm nô lệ cho tham lam, ham muốn thấp hèn, không vượt thoát được tầm ảnh hưởng trói buộc của tham dục để rồi nó siết chặt cuộc đời vào vòng luân hồi bằng sức mạnh gọng kìm của nó.

Người ngu si là người sống và đi trên đường đời mà không biết mình đi đâu. Sống trên đời con người phải có mục đích cao thượng và quyết tâm đạt được mục đích đó.

Triết lý sống đức Phật dạy trong Kinh pháp cú được diễn tả như sau:

"Như chim trên trời cao
Không lưu lại dấu tích,
sao tìm ra manh mối
Cát thời gian vô thường?
Nhắc nhở chuyện sinh tử;

Tổ ấm tự gọi đời,
Dù có vẻ vững chắc
Nhưng vẫn là bong bóng
Do nghiệp hữu tác thành;
Hãy gấp rút thoát ra,
Nhọc nhằn vô nghĩa này;

Dục lậu tham muốn mãi
Dưỡng nuôi kiếp luân hồi
Bất tận là vô định
Hãy như chim tự tại. "

Trong sa mạc mênh mông, chẳng có người sáng suốt nào lại đi lấy 1 đụm cát làm tiêu điểm cố định để hướng dẫn các đoàn lữ hành vượt qua sa mạc cả. Những đụm cát luôn luôn thay đổi, chỗ là ngọn đồi hôm nay có thể mai là lòng chảo lớn. Cuộc đời con người cũng thế, do nghiệp lực tác thành và đầy rẫy đau khổ. Nó như một vết tích, một sân ga tạm thời, rồi sẽ bị xóa nhòa. Phiền não và nghiệp (lậu hoặc) tạo nên thế giới con người với bản chất vô thường, vô ngã và hữu vi. Nó là cho sự tái sinh, sống chết mãi mãi, đó gọi là cuộc đời.

T. T Thích Giác Tây
Trích từ tạp chí Đuốc sen quyển 10


This post first appeared on Tự Hiểu Mình's, please read the originial post: here

Share the post

Sống để làm gì?

×

Subscribe to Tự Hiểu Mình's

Get updates delivered right to your inbox!

Thank you for your subscription

×