Get Even More Visitors To Your Blog, Upgrade To A Business Listing >>

IPO doanh nghiệp lớn cần gỡ rối

Các đợt IPO doanh nghiệp lớn chưa thể thực hiện được không chỉ xuất phát ở việc Chính phủ chủ động điều tiết lộ trình để tránh tăng cung ồ ạt ra TTCK mà ngay quá trình thực hiện các thủ tục cổ phần hóa (CPH) tại các doanh nghiệp cũng vướng. Khả năng “về đích” trong năm 2007 với nhiều tổng công ty dường như khó khả thi.

Xác định giá trị doanh nghiệp “mắc”

Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đệ trình Ban CPH phương án xác định giá trị doanh nghiệp. Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất vào khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó khu đất văn phòng Công ty tại đường Hai Bà Trưng (TP. HCM) ước khoảng 800 tỷ đồng, giá trị thương hiệu khoảng 500 tỷ đồng, tính tổng giá trị tài sản của Sabeco đạt 6.800 tỷ đồng, trong đó tập trung khá nhiều cho những dự án nhà máy bia mới hoặc đang đấu thầu mua sắm máy móc chuẩn bị đi vào sản xuất. Dù lãnh đạo Sabeco tuyên bố, doanh nghiệp muốn hoàn thành nhanh thủ tục CPH, nhất là khâu xác định giá trị doanh nghiệp đang được Ban CPH xem xét, sau đó sẽ đưa ra bán đấu giá cổ phần ngay, song thực tế lại đang có nhiều vướng mắc.

Theo bà Trịnh Thị Tuyết Minh, Phó tổng giám đốc tài chính Sabeco, doanh nghiệp mắc nhất ở khâu xác định giá đất. Trước khi có Nghị định 109/CP, Sabeco đã tiến hành xác định giá đất và trình UBND TP. HCM song không được chấp thuận.

Doanh nghiệp phải thuê cơ quan thẩm định giá đất tiến hành đánh giá lại nhưng hồ sơ vẫn chưa hoàn thiện. Cụ thể, muốn xác định giá đất, doanh nghiệp cần có quy hoạch đất đai, muốn xin quy hoạch phải có phương án sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất, rồi đến cả những thông số như nhà cao bao nhiêu tầng, xây dựng văn phòng hay khách sạn… Tuy nhiên, với những doanh nghiệp như Sabeco, khi giao đất, mục đích sử dụng được ghi chung chung là phục vụ sản xuất, kinh doanh, bản thân doanh nghiệp cũng chưa có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất hiện hữu.

Để có thể xác định giá trị quyền sử dụng đất, Sabeco đành vận dụng một cách “sáng tạo” nhằm hoàn thiện hồ sơ. “Chúng tôi tạm tính giá trị quyền sử dụng đất là 1.500 tỷ đồng song không dám chắc, liệu Ban CPH có chấp thuận hay không”, bà Minh cho hay.

Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đã hoàn tất sơ sơ quá trình định giá doanh nghiệp nhưng lại mắc ở khâu chi phí tư vấn CPH. Theo phê duyệt của Bộ Công thương, chi phí thuê tư vấn chỉ được hơn 100 triệu đồng trong tổng số 800 triệu đồng cả quá trình CPH nhưng đơn vị tư vấn cho Habeco lại “đòi” tới 400 triệu đồng. Mắc mớ này khiến doanh nghiệp chưa thể có báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp.

Một đại gia khác là MobiFone thì chắc chắn phải dời IPO sang năm 2008 bởi tháng 8 vừa qua mới “gút” được danh sách 6 nhà thầu quốc tế tham gia đấu thầu tư vấn CPH. Dự kiến sớm cũng phải tháng 10 này mới chọn được nhà tư vấn và ít nhất 2-3 tháng sau, tổ chức tư vấn mới có thể xây dựng xong đề án CPH, xác định giá trị doanh nghiệp. “Sớm nhất cũng phải đầu năm 2008, MobiFone mới có thể tiến hành IPO, dự kiến VNPT vẫn nắm cổ phần chi phối và những đối tác cũ trong liên doanh như Comvik (Thụy Điển) có thể trở thành nhà đầu tư chiến lược”, một thành viên HĐQT VNPT cho biết.

IPO ở đâu?

Ngay cả Ngân hàng Ngoại thương (VCB) tuy đã khá rõ lộ trình CPH là tháng 10 tới có thể công bố đối tác chiến lược, song thời điểm thực hiện bán cổ phần cho công chúng vẫn để ngỏ. Các ngân hàng thương mại quốc doanh khác như BIDV, Incombank, MHB cũng khó thực hiện IPO trong năm nay. Với các tổng công ty lớn trực thuộc Bộ Công thương thì bản thân Bộ cũng thừa nhận ít có khả năng “về đích” như kế hoạch. Thị trường tỏ ra sốt ruột trước thông tin về các đợt IPO lớn vắng bóng nhưng cơ quan quản lý dường như rất “đủng đỉnh”. Đơn cử như Thông tư hướng dẫn Nghị định 109/CP đang được nhiều doanh nghiệp lớn chờ đợi để bổ sung lại hồ sơ song đã hơn 2 tháng kể từ khi Nghị định ra đời, Bộ Tài chính vẫn chưa có Thông tư.

Nguồn tiền chờ đầu tư vào chứng khoán của các quỹ trong và ngoài nước rất lớn, nếu VCB và một số DN lớn khác kịp tiến hành IPO trong năm 2007 thì các quỹ đầu tư vẫn có thể mua vào, thổi thêm lửa cho thị trường đang nguội lạnh. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến lo ngại về việc giá cổ phiếu đại gia không đúng như mong đợi, có thể kéo thị trường đi xuống và tạo ra cú điều chỉnh với những cổ phiếu ngân hàng khác, tương tự như trường hợp Bảo Việt trước đây.

Và ở những thời điểm nhạy cảm như vậy, sự phối hợp giữa UBCKNN và các bộ, ngành để nắm rõ tiến trình CPH các doanh nghiệp lớn để đưa ra thời gian biểu IPO một cách hợp lý là quan trọng hơn bao giờ hết giúp thị trường tránh trường hợp lúc thì tăng trưởng quá nóng, lúc lại quá lạnh gây thiệt hại cho nhà đầu tư.



This post first appeared on Chứng Khoán Viet Nam - Stock Market Information, please read the originial post: here

Share the post

IPO doanh nghiệp lớn cần gỡ rối

×

Subscribe to Chứng Khoán Viet Nam - Stock Market Information

Get updates delivered right to your inbox!

Thank you for your subscription

×