Get Even More Visitors To Your Blog, Upgrade To A Business Listing >>

Giải mã ngôn ngữ gen Z: Những cụm từ hot trend trên mạng xã hội 2023

Nhắc đến gen Z là nhắc đến sự năng động, trẻ trung, sáng tạo và không kém phần hài hước. Vậy bạn đã cập nhật ngôn ngữ gen Z để biết giới trẻ đang nói gì chưa? Hãy cùng thêm ngay những cụm từ hot trend vào “giỏ hàng” để “flex” sự trẻ trung cùng gen Z qua bài viết sau đây nhé!

Ngôn ngữ gen Z là gì? Từ đâu mà có?

Gen Z là nhóm những người trẻ được sinh ra trong khoảng cuối những năm 1990s đến đầu những năm 2010s (khoảng 1997 – 2012). Chính ví sự tươi trẻ, năng động nên họ luôn sáng tạo ra những thứ mới mẻ, kể cả trong giao tiếp hằng ngày. Nếu như thế hệ 8x, 9x hay gen Y có teencode, thì gen Z cũng có ngôn ngữ riêng.

Ngôn ngữ gen Z là sự sáng tạo của giới trẻ nhằm mục đích giải trí, giúp việc trò chuyện trở nên vui vẻ, nhanh gọn, dễ biểu đạt cảm xúc hơn. Trong các cuộc trò chuyện của gen Z, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các từ ngữ lạ lùng như “khum”, “chằm Zn”, “kiwi kiwi” hay khó đỡ hơn nữa là “chu pa pi mô nha nhố”, pềct, rếpct,…

Ngôn ngữ gen Z có thể bao gồm các từ, cụm từ hot trend trên mạng xã hội như Facebook, TikTok hay Instagram. Đôi khi đó là sự biến tấu của tiếng việt, cách nói lái, chơi chữ, pha trộn với tiếng nước ngoài,… hoặc cũng có thể là câu nói viral của ai đó được lan truyền trên mạng Internet, trở thành trào lưu và được thêm vào “từ điển Gen Z”.

Ngôn ngữ gen Z là sự sáng tạo ngôn từ của giới trẻ

Update loạt từ vựng gen Z hot trend hiện nay

Flex

Flex /fleks/ là từ tiếng Anh, dùng để chỉ hành động uốn cong một vật, hành động siết cơ, đồng thời cũng có nghĩa là thay đổi một việc gì đó cho phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên, thuật ngữ “flex” được giới trẻ sử dụng phổ biến gần đây lại mang ý nghĩa khác.

Flex theo ngôn ngữ gen Z có nghĩa là sự khoe mẽ, nhằm chỉ hành động khoe khoang tài sản, vật chất hay thể hiện bản thân một cách lố bịch, đến mức khiến người khác cảm thấy phiền hà, khó chịu. Theo thời gian, thuật ngữ ngày dần được đón nhận theo hướng tích cực và thoải mái hơn. Flex không chỉ là “khoe khoang” mà bất kỳ ai cũng có thể “flex” để chia sẻ bất cứ điều gì mà họ cảm thấy tự hào.

Flex đã trở thành một trào lưu “nổi rần rần” trên mạng xã hội, đặc biệt có hẳn một nhóm cộng đồng mang tên “Flex đến hơi thở cuối cùng!” nhanh chóng trở nên viral với hàng triệu thành viên và lượt tương tác siêu khủng. Không chỉ flex về tài sản, gen Z còn flex về tài năng, thành tích học tập cho đến những câu chuyện “người tốt, việc tốt”,…

Flex là sự khoe mẽ, khoe khoang

Pressing, thoát pressing

Thuật ngữ “pressing” có nguồn gốc trong môn thể thao bóng đá, có nghĩa là tạo áp lực, sức ép lên đối phương nhằm giành quyền dẫn bóng. “Thoát pressing” tức là thoát khỏi áp lực từ đối thủ. Tuy nhiên theo từ điển giới trẻ, đây là thuật ngữ gắn liền với “flex”. Thoát pressing có nghĩa là “thoát khỏi cuộc tranh luận khi gặp flexer”.

Cách để thoát pressing thành công là dẫn cuộc tranh luận chuyển sang 1 hướng khác một cách tài tình, khéo léo, khiến flexer không thể flex được nữa, hoặc bạn sẽ flex cùng họ cho đến khi 1 trong 2 thua cuộc. Được biết, thuật ngữ này trở nên phổ biến nhờ một nhà báo thể thao với sở thích “flex” và phong cách bình luận độc đáo.

Check var

VAR (Video Assistant Referee) là công nghệ video quay chậm để hỗ trợ trọng tài phân định chính xác một pha phạm lỗi hay bàn thắng trong môn bóng đá. Check var là một thuật ngữ khá quen thuộc trong bộ môn thể thao này.

Tuy nhiên, cụm từ “check var” gần đây lại “làm mưa làm gió” trong giới trẻ với ý nghĩa là kiểm tra lại thông tin mà người khác chia sẻ, đặc biệt là flexer. Check var thể hiện sự cẩn trọng xác minh thông tin trước khi đánh giá, nhận xét, nhưng có phần hài hước, hóm hỉnh, kiểu “thông tin đã chuẩn chưa”.

Ví dụ:

A: Biết gì chưa, GenZ có từ điển 10 triệu thuật ngữ giới trẻ đó!”

B: Đã “check var” chưa?

Check var

Kiwi kiwi

Kiwi là loại quả mọng khá phổ biến trên toàn thế giới, có nguồn gốc từ Trung Quốc, vỏ màu nâu sáng, thịt màu xanh lá cây hoặc vàng tươi, vị chua nhẹ, thanh mát. Tuy nhiên, kiwi kiwi khi “qua tay” gen Z Việt Nam lại được hiểu theo nghĩa là “ngon”, mang ý nghĩa tương tự như “mlem mlem” đã viral những năm trước đây.

Cụm từ này bắt nguồn từ video đi uống nước của hai bạn trẻ trên mạng xã hội TikTok. Khi ăn trái kiwi, họ cảm thấy rất ngon và đã vô tình bật ra câu “kiwi kiwi”. Một trong hai người còn lặp đi lặp lại nhiều lần cụm từ này với tông giọng độc đáo, khiến người xem thích thú.

Sau đó, họ tiếp tục sáng tạo các video sử dụng cụm từ này và nhận được tương tác khủng. Không chỉ trái kiwi mà tất tần tật mọi thứ đều có thể “kiwi kiwi”. Cụm từ này nhanh chóng lan truyền tới các TikToker cũng như các bạn trẻ khác cùng bắt trend, tạo thành trào lưu trong giới trẻ.

Ví dụ: Tui mới phát hiện ra quán mì cay kiwi kiwi lắm luôn!!!

Kiwi kiwi nghĩa là ngon

À lôi

À lôi là một cụm từ của dân tộc Tày dùng để biểu thị sự ngạc nhiên, bất ngờ, kiểu “trời ơi”, “chao ôi”, “hả”,… Cụm từ này bắt đầu được biết đến rộng rãi qua video của các chàng trai trong trang phục dân tộc, hô vang “à lôi”. Video được đăng tải trên TikTok và thu hút sự tò mò của cộng đồng mạng nhờ cụm từ lạ lùng này.

Cụm từ này càng trở nên viral hơn nữa sau khi rapper Bùi Xuân Trường – Double2T đã sáng tác ra bài hát “À lôi” với phần giai điệu bắt tai cùng lời bài hát thú vị: ““Tại vì thích em nhiều quá, nhưng em lại nói là à lôi”. Đoạn nhạc này đã được các bạn trẻ sử dụng làm video và nhanh chóng trở thành hot trend trên TikTok.

Cà nhính

“Cà nhính” theo ngôn ngữ gen Z có nghĩa là “chút xíu”, cụ thể là ăn uống từ từ, từng chút một để cảm nhận vì nếu ăn nhanh hết thì sẽ tiếc. Cụm từ này bắt nguồn từ buổi nấu ăn trên livestream (phát sóng trực tiếp) của TikToker Miko Lan Trinh cùng bạn trai Kenji. Trong livestream, Miko Lan Trinh cầm dĩa bò viên và liên tục nói “cà nhính, cà nhính”.

Tuy nhiên, phản ứng có phần không hợp tác của Kenji khiến cô “sượng trân” và ngơ ngác, khiến người xem cảm thấy thích thú. Sau đó, cụm từ “cà nhính” liên tục xuất hiện trong nhiều video của các bạn trẻ. Cách sử dụng cũng rất đơn giản, chẳng hạn bạn có thể nói “cà nhính” trong bất cứ hoàn cảnh nào khi ăn uống cùng bạn bè.

Cà nhính là một chút xíu

Mãi mận, mãi keo

Hai cụm từ này xuất phát từ cách phát âm rút gọn kết hợp nói lóng:

  • Mãi mận: “Mận” là cách nói lái của “mặn” trong “mặn mà”. Mãi mận có nghĩa là “mãi mặn mà”, dùng để khen ngợi về ngoại hình, thần thái hay cảm thán khi chứng kiến một điều gì đó đáng ngưỡng mộ. Bên cạnh cụm từ này, gen Z còn “chế” thêm các cụm từ như “mận vải”, “mãi mận cóc xoài ổi”,… với ý nghĩa tương tự.
  • Mãi keo: Là cách nói rút gọn của “mãi mãi keo sơn”, nghĩa là bày tỏ mong muốn mãi mãi thân thiết, gắn bó bên nhau.

Bạn có thể thường xuyên bắt gặp các cụm từ này khi lướt mạng xã hội, đặc biệt ở phần bình luận của các video về idol, nghệ sĩ nổi tiếng, KOLs có sức ảnh hưởng, hot TikToker,…

Ví dụ: OTP mãi mận, chị tôi mận vải, mãi keoooooo,…

Mãi mận, mãi keo

Keo ly, chả quyên, tái châu, quế lầu, sốt cà

Những từ ngữ lạ lẫm nghe có vẻ như món ăn này, thật ra theo ngôn ngữ giới trẻ lại mang ý nghĩa không hề liên quan đến đồ ăn! Đây là các cụm từ xuất phát từ video với một loạt từ ngữ độc lạ của Cô Cẩm Lan Sục (Linda) – một người có sức ảnh hưởng với giới trẻ. Cụ thể:

  • Keo ly: ngon, nhìn thấy mê, muốn cắn.
  • Chả quyên: mặn mà, ngọt ngào.
  • Chả chua: gợi cảm, dùng để cảm thán trước vẻ đẹp của ai đó.
  • Chả lụa: trắng trẻo, hồng hào.
  • Tái châu: ngây thơ, cũng là cách đọc lái của từ “tái chanh”.
  • Quế lầu: chỉ những người đẹp, có sức hút.
  • Bò viên: mũm mĩm, dễ thương.
  • Sốt cà: cá tính.
  • Trầm: mong manh, dễ vỡ, chỉ những người yếu đuối, dễ xúc động.
  • Trinh: quyến rũ, hấp dẫn, có ngoại hình hay giọng hát thu hút.
  • Kem: tươi tắn, tươi trẻ, có sức sống.
  • Bạc xỉu: xinh đẹp, mlem mlem,…

Qua những bài đăng, clip trên mạng xã hội Tiktok và Facebook của Linda, những cụm từ này nhanh chóng được giới trẻ bắt xu hướng và sử dụng rộng rãi trong nhiều trường hợp khác nhau.

Keo ly, chả quyên, tái châu, quế lầu, sốt cà

Mắc cỡ quá 2 ơi

Đây là cụm từ viral gần đây, bắt nguồn từ một tài khoản TikTok có tên “Bé mèo nhỏ mít ướt” khi đăng tải các video kèm câu “Mắc cỡ quá 2 ơi!” để chê bai, trêu chọc hành động của ai đó. “Mắc cỡ” được hiểu là xấu hổ. “Mắc cỡ quá 2 ơi” được giới trẻ dùng để biểu thị sự xấu hổ, quê, ngại ngùng, trêu chọc bạn bè.

Ví dụ: “Hồi nãy gặp crush keo ly quá trời, tao cười mà người ta quay đi luôn :(((“, “Ew, mắc cỡ quá 2 ơi!”

Mắc cỡ quá 2 ơi diễn tả sự xấu hổ

Lịch sử, địa lý, ngữ văn, toán học, thể dục

Tưởng chừng chỉ là tên các môn học bình thường, tuy nhiên khi đến tay thế hệ Z thì lại trở thành các từ lóng hài hước. Trong một bài viết, một bạn đã bình luận “lịch sự đi bạn ơi” nhưng vô tình viết nhầm thành “lịch sử đi bạn ơi”. Sau đó, nhiều người dùng khác đã đáp lại các câu tương tự , kéo theo các môn học khác cũng được gắn cho ý nghĩa mới.

Từ đó mà trên nền tảng Facebook, TikTok xuất hiện các bình luận, video clip nói lái tên các môn học, tạo thành trào lưu khiến ai không biết đều trở thành tối cổ. Cụ thể  “lịch sử” là lịch sự, “địa lý” là đạo lý, “ngữ văn” là văn minh, “toán học” là thẳng tính, “thể dục” là thể hiện.

“Bạn đang cố thể dục những địa lý của bạn, nhưng toán học mà nói thì bạn chỉ đang bất lịch sử thôi. Ngữ văn lên nào!”. Nếu hiểu ý nghĩa của câu này thì bạn đã thoát tối cổ thành công rồi đấy!

Ý nghĩa thú vị đằng sau tên các môn học

Báo, báo thủ

Bạn đã bao giờ bắt gặp các dòng trạng thái hay bình luận kiểu “Báo cha báo mẹ”, “Báo quá báo”, “Báo vừa thôi”, “Báo thủ thực thụ”,… và thắc mắc “báo” là gì chưa? Không phải động vật, không phải báo chí, “báo” trong ngôn ngữ gen Z ám chỉ những hành vi gây rắc rối, phá hoại, làm liên lụy, ảnh hưởng không tốt đến người khác. Báo thủ là người gây ra sự việc đó.

Mặc dù ý nghĩa có phần tiêu cực nhưng 2 từ ngữ ngày lại được giới trẻ sử dụng với giọng điệu hài hước, vui vẻ nhằm trêu chọc nhân vật trong câu chuyện đó. Có lẽ “báo” ở đây là “báo đáp” nhưng không phải báo đáp chuyện tốt mà là mang lại rắc rối.

Cậu be

Tiếp tục là một thuật ngữ độc lạ viral từ video clip của cặp đôi Miko Lan Trinh và Kenji. “Cậu be” là cách nói lái của “Cậu ba Kenji” (tên mà Kenji thường tự xưng với fan). Sau những lần trổ tài nấu ăn chuẩn “đầu bếp năm sao”, người xem đã để lại nhiều bình luận hài hước và gọi anh là “cậu be”.

“Cậu be” được gen Z giải nghĩa là “tinh hoa hội tụ, phụ nữ rất yêu (gất yêu)”. Cụm từ này cũng được sử dụng trong nhiều trường hợp trên mạng xã hội, chẳng hạn để bình luận khen ngợi về món ăn hay idol, hot TikToker,…

Cậu be là thuật ngữ khá viral trên mạng xã hội

Over hợp, You don’t hợp with me

Gần đây, trong chương trình Rap Việt mùa 3, huấn luyện viên Thái VG đã đưa ra những lời nhận xét “nửa Anh nửa Việt” như “You don’t hợp with me”, “She over hợp”,… Những phát ngôn đó đã nhanh chóng trở thành trend trên mạng xã hội. Để hiểu ý nghĩa của hai cụm từ này, chỉ cần dịch nghĩa và kết hợp từng từ lại như sau:

  • Over hợp: Quá hợp, rất hợp
  • You don’t hợp with me: Bạn không hợp với tôi

Xu cà na

Vẫn bắt nguồn từ cách nói lái của giới trẻ, “xu” là cách nói lái của “xui”, còn từ “cà na” được thêm vào để cụm từ trở nên thú vị hơn. “Xu cà na” được dùng để thể hiện sự xui xẻo, gặp chuyện không như ý muốn.

Ví dụ: Chọn ngày đẹp tỏ tình crush, mà anh bảo “You don’t hợp with me”, xu cà na luôn!

Chu pa pi mô nha nhố

Chu pa pi mô nha nhố là cụm từ được gen Z được sử dụng khi muốn “đánh trống lảng” trước chủ đề mà đối phương đang đề cập đến. Sở dĩ đây là cụm từ có nguồn gốc từ câu nói “Chu papi muñeño” trong tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là sự nhầm lẫn, và được giới trẻ đọc lái thành “chu pa pi mô nha nhố”.

Ví dụ, khi bạn đang cố tạo một trò đùa nhưng bị mọi người phát hiện, bạn sẽ nói “Chu pa pi mô nha nhố” với khuôn mặt ngây thơ vô tội để “chữa ngượng” và chứng tỏ rằng bạn thực sự không biết gì cả.

Chu pa pi mô nha nhố bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha

Khum

Từ “Khum” nghe có vẻ lạ lẫm và vô nghĩa. Từ này đơn giản là kiểu nói cách điệu của “không”, nghe hay ho và ấn tượng hơn hẳn. Bên cạnh từ “khum”, “không” trong tiếng Việt còn được giới trẻ sử dụng với nhiều kiểu viết như: Ko, k, hơm, hem, hăm, hông, hong,…

Cách sử dụng từ này cũng rất đơn giản, bạn có thể thay thế từ “không” trong bất cứ trường hợp nào.

Ví dụ: Sợ anh biết, sợ anh khum biết. Muốn anh biết, lại muốn anh khum biết.

Mood, tụt mood

Mood, tụt mood là hai từ thể hiện cảm xúc được đông đảo các bạn trẻ sử dụng. Mood là một từ tiếng anh, dùng để biểu đạt cảm xúc, tâm trạng không quá mãnh liệt nhưng có thể kéo dài hàng giờ hay vài ngày. Có thể hiểu đơn giản “mood” là “có hứng thú”.

Khi được ghép với từ “tụt”, “tụt mood” mang ý nghĩa “mất đi hứng thú”, chán nản, không có động lực để tiếp tục làm việc gì.

Ví dụ: Đang chăm chú làm việc thì kế toán báo trễ lương, thế là tụt mood.

Mood, tụt mood

Simp

Simp là một từ lóng mà giới trẻ thường sử dụng trên Internet, dùng để chỉ các chàng trai lụy tình, si mê cô gái đến mức mù quáng, hay hiểu đơn giản là “đồ dại gái”. Thuật ngữ này có tên đầy đủ là “simpleton”, xuất hiện từ năm 1990 trong bài hát của nhóm nhạc Three 6 Mafia với hàm ý miệt thị những người đàn ông theo đuổi phụ nữ vì quan hệ thể xác.

Gần đây, từ này bắt đầu được phổ biến rộng rãi hơn, bắt đầu từ Twitter, iFunny và lan truyền khắp các trang mạng xã hội khác. Giới trẻ Việt Nam còn thường gắn từ simp với “simp chúa”, “chúa tể simp”,…

Trap, trap girl, trap boy

Trong tiếng Anh, “trap” có nghĩa là “cái bẫy”. Ngoài ra nó còn mang nhiều ý nghĩa khác như tên một thể loại nhạc, bẫy tình,… Từ “trap” mà giới trẻ hay sử dụng được hiểu theo nghĩa kiểu giả dối, đánh lừa đối phương hay khán giả.

“Trap boy” ban đầu được dùng để chỉ các bạn nam có phong cách ăn mặc, trang điểm giống con gái, khiến người khác không nhận ra được. Tuy nhiên gen Z còn sử dụng từ này cho những chàng trai có vẻ ngoài điển trai, dùng lời đường mật để lừa tình những cô gái nhẹ dạ, cả tin.

“Trap girl” cũng vậy, ban đầu là chỉ những cô gái có phong cách ăn mặc “tomboy”. Hiên nay, cụm từ này cũng được sử dụng để nói về những cô gái chuyên thả thính, lừa tình các chàng trai nhằm mục đích nào đó.

Lemỏn

Lemỏn là một từ lóng được “chế” từ Lemon trong tiếng Anh. Lemon có nghĩa là “quả chanh”. Giới trẻ Việt Nam đã sáng tạo thành từ “Lemỏn” với ý nghĩa hoàn toàn không liên quan như sau:

Lemon = chanh, thêm dấu hỏi vào sẽ có Lemỏn = chảnh

Từ đó, Lemỏn được gen Z sử dụng để nói về tính cách chảnh chọe, kiêu kỳ của một người nào đó với vẻ châm chọc hài hước.

Ví dụ: “Nhỏ đó lemỏn lắm, tao nhắn tin mà nhỏ không thèm “seen”!

Lemỏn có nghĩa là chảnh

Ét o ét

Ét o ét là cách phát âm “Việt hóa” của SOS – từ được dùng để thông báo tín hiệu một tình huống khẩn cấp, cần cứu trợ, giúp đỡ. Với cách Việt hóa này, “ét o ét” mang ý nghĩa vô cùng hài hước và vui vẻ.

Được biết, thuật ngữ này bắt nguồn từ video của Bà Toạn Vlogs – tài khoản TikTok của một bác lớn tuổi hay nói những câu thả thính, đạo lý hài hước. Khi nhận được bình luận thú vị từ khán giả rằng “Cô bị ép đúng không, hãy ra tín hiệu đi”, Bà Toạn đã trả lời “Ét o ét” nhằm phát tìn hiệu cầu cứu.

Trong thực tế, giới trẻ áp dụng cụm từ này trong rất nhiều tình huống, chẳng hạn như cần “giải cứu” khi bị hỏi dồn mà không biết trả lời thế nào, hay khi đứng trước tình huống khó xử, không biết xử lý ra sao.

Chằm Zn

Đây là một trong những ngôn ngữ gen Z được giới trẻ sử dụng rất nhiều trong thời gian gần đây. Chằm Zn được kết hợp từ cách nói lái và ký hiệu hóa học của kim loại kẽm (Zn) theo công thức: Chằm Zn = Chằm kẽm = Trầm cảm

Tuy nhiên, trầm cảm được gen Z sử dụng như một trạng thái chứ không phải là bệnh. Có thể hiểu Chằm Zn là biến thể của từ “trầm cảm”, biểu thị trạng thái mệt mỏi, chán nản, bó tay, bất lực,…

Ví dụ: 7h vào thi, 7h15 còn nằm trên giường, muốn chằm Zn lun!

Chằm Zn

U là trời

U là trời = U is trời = Uis trời = Úi trời

Theo công thức trên, có thể thấy cụm từ “Úi trời” được tạo ra từ cách dịch tiếng Anh (là = is) kết hợp kiểu gõ Telex trong tiếng Việt (Uis = Úi). Mặc dù quá là phức tạp, nhưng từ này được gen Z sử dụng vô cùng phổ biến. “U là trời” dùng để diễn tả cảm xúc hoảng hốt, có phần than thở, bất lực.

J z tr

J z tr là một cụm từ viết tắt kết hợp kiểu teencode. Trong đó:

  • J = gì
  • Z = zậy = vậy
  • Tr = trời

Như vậy, “J z tr” là cách viết rút gọn của cụm từ “Gì vậy trời”. Cách viết này giúp nhắn tin nhanh hơn, dùng để cảm thán, biểu thị cảm xúc ngạc nhiên, hoảng hốt trước một sự việc nào đó.

Ví dụ: Đang đi ngoài trời mưa thì một chiếc xe vượt lên, tạt ướt người. Gen Z sẽ nói: “J z tr, đi với đứng, khum thấy người ta hả!”

Trmúa Hmề

Trmúa hmề chính là cách biến tấu “diêm dúa” của chúa hề. Đây là thuật ngữ mà giới trẻ dùng để chỉ những người vui tính, hài hước, hoặc để châm biếm người tưởng mình hài hước nhưng thực tế lại lố lăng hay nhạt nhẽo, vô vị.

Nhưng tại sao lại thêm “m” vào để thành “Trmúa Hmề”, có lẽ ngay cả gen Z cũng không hiểu được. Đơn giản là để cụm từ thêm hài hước, độc đáo, ẩn ý châm chọc hơn mà thôi!

Trmúa Hmề

Pềct, rếpct

Hai từ này được hình thành từ lỗi gõ Telex. Cụ thể:

  • Pềct = Perfect = Hoàn hảo
  • Rếpct = Respect = Bái phục, nể phục, tôn trọng

Thực tế, lỗi gõ Telex tiếng Việt tạo nên nhiều tình huống và từ ngữ thú vị, chẳng hạn như ýe (yes), ưhat (what),…

Ủa

“Ủa” được sử dụng rất phổ biến, không chỉ trên mạng xã hội mà trong lời nói hằng ngày, cũng như không chỉ riêng gen Z. Tuy nhiên, thời gian gần đây gen Z lại ưa chuộng và có phần khá “lạm dụng” từ ngữ này.

“Ủa” có thể dùng để biểu đạt cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ, cũng có thể được dùng để bắt đầu câu chuyện khi có một thắc mắc nào đó. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận giới trẻ khá “nhạy cảm” khi sếp nhắn hỏi “Ủa em?”.

Ủa

Ô dề

Ô dề nghe qua có vẻ giống với “Oh yeah!” một cách diễn tả sự hào hứng, phấn khích trong tiếng Anh. Tuy nhiên, ô dề đối với các bạn trẻ hiện nay lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Ô dề xuất phát từ video của một người phụ nữ mặc áo dài màu vàng trên TikTok (9/2021) với câu nói “Làm sơ sơ thôi, làm quá thì nó ô dề. Ô dề là lố lắng.”

Đoạn video đã nhanh chóng trở nên viral và được sử dụng rất nhiều bởi giới trẻ trên mạng xã hội mỗi khi ám chỉ một hành động bị làm quá, làm lố, không giống ai.

Mai đẹt ti ni

Mai đẹt ti ni là cách một số người, đặc biệt là người Thái Lan phát âm từ Destiny trong tiếng Anh. Khi nhắc đến destiny, chúng ta thường liên tưởng đến tình yêu, cụ thể hơn là một người quan trọng, xuất hiện trong cuộc đời và trở thành mối lương luyên “trời định” của ai đó.

Cách phát âm mai đẹt ti ni có thể đã xuất hiện từ lâu. Nó cũng giống như rất nhiều từ tiếng Anh khác được nói lái hoặc chế sang các cách phát âm na ná với tiếng bản địa như gét gô, ét o ét. Tuy nhiên dạo gần đây cách nói này trở nên viral khắp các mạng xã hội bởi sự ra mắt của bộ phim Thái Lan đang cực kỳ hot tại Việt Nam: Ngược dòng thời gian để yêu anh (Love Destiny: The Movie).

Bộ phim thu hút sự chú ý của khán giả và nhanh chóng bùng nổ phòng vé Việt. Sức hút của nội dung, dàn diễn viên đẹp nhức nách là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho phim. Và cũng không thể phủ nhận chính cụm từ mai đẹt ti ni đã đưa bộ phim đến với nhiều khán giả hơn thông qua độ viral của nó.

Vậy là từ bây giờ chúng ta có thể nói về chân ái của đời mình bằng một cách hài hước và mãnh liệt hơn với mai đẹt-ti-ni.

Phanh xích lô

Khi nhắc đến phanh xích lô, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến bộ phận của xe xích lô dùng để giảm tốc độ di chuyển của xe. Bên cạnh đó, khi đạp phanh xe xích lô thì chúng sẽ phát ra một âm thanh “kít kít”. Theo thế hệ Z, kít kít được phát âm tương tự như kiss (hôn) trong tiếng Anh. Chính vì vậy, phanh xích lô được dùng để chỉ hành động hôn.

Phanh xích lô kêu kít kít, Kít = Kiss (hôn)

Tuy nhiên, có một sự thật là thuật ngữ này đã được nhân vật Vinh trong phim Phía trước là bầu trời (2001) sử dụng. Thời gian gần đây, đoạn phim bất chợt xuất hiện trên mạng xã hội, và cụm từ “phanh xích lô” cũng từ đó mà trở nên viral.

Phanh xích lô có nghĩa là hôn

Một số cách sáng tạo ngôn ngữ gen Z

Kết hợp tiếng Anh

Nửa anh nửa Việt là kiểu kết hợp ký tự tiếng Anh với dấu của tiếng Việt để “Việt hóa” từ tiếng Anh đó mà vẫn tạo nên từ có ý nghĩa. GenZ rất thông minh trong cách biến hóa ngôn từ này. Ví dụ:

Cpink = C + Pink (màu hồng) = C + hồng = Chồng

Theo công thức này, ta cũng có:

  • Fishu = Fish + u = Cá + u = Cáu
  • Bigc = Big + c = Bự + c = Bực
  • Fourk = Four + K = Bốn + k = Bốnk = Bống

Kết hợp tiếng Thái

Tương tự như trên, nhưng kiểu tiếng Thái xen tiếng Việt lại là một trào lưu khác. Công thức của kiểu nói theo tiếng Thái này là thêm dấu huyền vào từ vốn có, sau đó dùng phần vần của từ đó kết hợp với âm Kh tạo âm sắc như tiếng Thái, các từ ngữ còn lại sẽ tương tự.

Ví dụ:

  • Tên bạn là Lê Minh Tú thì khi đọc theo kiểu tiếng Thái sẽ là Lề Khê Mình Khinh Tù Khu.
  • Ê đi ăn bùn khun bò kho không? (Ê đi ăn bún bò không?)

Nói lái, nói ngọng xuyên biên giới

Kiểu nói ngọng, nói lái, biến tấu từ ngữ của gen Z vô cùng phong phú. Các từ nước ngoài, từ địa phương cũng được vấn dụng để cách nói trở nên tự nhiên, hài hước, tạo tiếng cười và gây ấn tượng hơn.

Ví dụ, một số từ ngữ mà gen Z hay nói ngọng như sau:

  • Gòi song = Rồi xong/ Thôi xong rồi
  • Ra dẻ = Ra vẻ (làm màu)
  • Trài ai = Trời ơi
  • Trài đấc ai = Trời đất ơi
  • Zụ zì zợ = Vụ gì vậy/ Có chuyện gì vậy?
  • Chớt tui gòi: Chết tôi rồi
  • Xu ghê = Xui ghê
  • Géc gô = Let’s go = Cùng đi thôi!
Một số cách sáng tạo ngôn ngữ gen Z

Vừa rồi là tổng hợp những cụm từ hot trend, ngôn ngữ gen Z sử dụng gần đây. Hy vọng rằng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin thú vị. Bạn còn biết cụm từ, câu nói nào hot trend hiện nay không? Bình luận cho Dinhnghia biết nhé!

The post Giải mã ngôn ngữ gen Z: Những cụm từ hot trend trên mạng xã hội 2023 appeared first on DINHNGHIA.com.vn.

Share the post

Giải mã ngôn ngữ gen Z: Những cụm từ hot trend trên mạng xã hội 2023

×

Subscribe to Dinhnghia.com.vn - Bách Khoa Toàn Thư - Cắt Nghĩa Khái Niệm Giải Thích Thuật Ngữ

Get updates delivered right to your inbox!

Thank you for your subscription

×