Get Even More Visitors To Your Blog, Upgrade To A Business Listing >>

Kẻ khôn, người dại

1. Khôn và dại

Ai biết đâu là khôn đâu là dại? Ai biết dại hay khôn? Mọi thứ mù mờ trong cách người ta chọn lựa, và định nghĩa một từ, một cụm từ nào đó. Khôn và dại cái nào hơn, cái nào thiệt? Giữa những đắn đo, giữa những lợi lộc, giữa danh phận tiền tài, con người cần phải biết thế nào là dại, là khôn…

Đời đến lạ lùng, ngó qua ngó lại thấy cũng bấy nhiêu khuôn mặt trên đường, ngoài chợ, trong nhà. Có khuôn mặt sáng sủa, nhanh nhẹn, hoạt bát, ấy chắc là mặt khôn. Có khuôn mặt khờ khạo, đần độn, ấy chắc là mặt dại. Có khuôn mặt không đờ đẫn, không sáng sủa mà sạm đen vì nắng gió cuộc đời, vì hiểu những điều ấy trong từ điển của “khôn khôn dại dại” không thể nào tìm thấy…

Nhưng, khôn và dại để làm gì, khi một kiếp người đi qua, chẳng thể phân biệt nổi, ta đã từng khôn hay dại ở trên đời này. Quả đất thì rộng, phận người thì mỏng tang như bóng nước chim trời. Vậy mà, giữa thế nhân muôn kẻ cứ muốn tranh giành, bon chen đủ loại. Nói cái kiểu vui cửa vui nhà là như vầy: “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”…

Ở cái ngõ cua về xóm trọ có một người ngây ngây, hầu như ngày nào, mọi người cũng để ý thấy ông ta mặc bộ quần áo hết sức bảnh bao lịch sự, và chỉ làm một công việc duy nhất: Đứng…

Người đi qua nông cạn thì chửi thầm: Điên. Kẻ đi lại, thương xót thì nhỏ nhẻ: Tội nghiệp.

Nhưng, mấy ai làm được cái việc như người đàn ông ấy: Cầm cái còi thổi tu tu mỗi giờ tan tầm, y hệt một chú áo vàng thật sự, hoặc có ai đó, đẩy cái xe cút kít đầy đá nặng trịch đi ngang, chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình. Nụ cười hiền lành luôn nở trên môi, không nhăn nhó, không càm ràm, không tranh giành cướp giật…

Nếu chẳng ai nhận ra có lẽ không bao giờ hiểu nổi cuộc đời, những kẻ ngây ngây như thế lại đáng trọng, đáng thương, đáng kính hơn khối vạn người không ngây. Hỏi thử trên đời, đó là khôn hay dại?

2. Phóng sinh

Còn câu chuyện sáng nay, định viết cái tiêu đề là “chim phóng sinh”, nhưng có nhỏ bạn đề nghị đổi thành “phóng sinh chim”. Rồi thấy não nề quá, cũng không muốn viết nữa. Nhớ lại hình ảnh người đàn bà, ôm cái lồng sắt chạy lông nhông vào mấy quán cà phê cóc, năn nỉ người ta mua mấy con chim sau đó gọi là “làm từ thiện” bằng cách thả nó lên trời. Cứ 5k một con. Thấy buồn cười, mình hỏi quặc lại: “Vậy chớ dì muốn phóng sinh nó, sao còn bắt nhốt nó làm gì?”…

Biết là vì miếng cơm manh áo, nhưng vẫn cứ hỏi, để coi họ có chạnh lòng hay không? Hỏi, rồi lại thương khi mình tự vấn: “Người phóng sinh cho chim mỗi mùa rằm tháng bảy. Nhưng, ai sẽ phóng sinh cho kiếp người?”

Mấy con chim bé xíu như sâu non, se sẻ, đôi chân yếu ớt, đôi cánh chẳng đủ sức để bay lên nữa, cứ nằm yên nhắm mắt thiêm thiếp trên tay người. Thương, nên cứ để vậy, nhưng rồi cũng phải tung nó lên cao, thả nó về với tự do.

Loài người rất thích được tự do, luôn kiếm tìm tự do, nhưng đôi khi chính họ lại “ăn cắp” tự do của kẻ khác, hoặc tự chôn vùi, nhốt kín mình trong những vòng luẩn quẩn của hận thù, chiến tranh…

Không biết người đàn bà bán mấy con chim phóng sinh kia là kẻ khôn hay dại nữa?…

Khôn khôn, dại dại như một kiểu tiết tấu phi lí mới giữa thời kì này. Chẳng ai xác định được ranh giới nào rõ ràng nữa, nhưng cái kết cục của con người, dẫu khôn hay dại thì cũng chỉ là về với đất cát, về với cõi vô thường của lẽ sống ngắn ngủi mà thôi…

Nguồn: chiptran.com


This post first appeared on Tự Hiểu Mình's, please read the originial post: here

Share the post

Kẻ khôn, người dại

×

Subscribe to Tự Hiểu Mình's

Get updates delivered right to your inbox!

Thank you for your subscription

×